Hỏi về cách sử dụng, bảo quản bình cứu hỏa để trên xe ô tô

Kính chào ban biên tập báo xe hơi, em là Minh, em xin hỏi về cách sử dụng và bảo quản bình cứu hỏa để trên xe ô tô như thế nào cho hợp lý. Em mới mua xe và còn nhiều điều chưa rõ về bình cứu hỏa này, kính mong các Anh (chị) trả lời và tư vấn giúp em.

tranminhvn78@gmail.com

Trần Minh (Đống Đa, Hà Nội)

TRẢ LỜI BẠN ĐỌC

Chúng tôi đã có Mail gửi bạn đọc Minh câu trả lời và trên đây là nội dung chúng tôi trả lời bạn đọc.

Kể từ ngày 6.1.2015 thông tư số 57 của Bộ Công an về việc trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bắt đầu có hiệu lực.

Theo quy định mới, các xe ô tô có từ 4 đến 9 chỗ ngồi sẽ phải trang bị ít nhất 1 bình cứu hỏa thuộc 1 trong các dạng sau: bình chữa cháy dạng bột, bình chữa cháy dạng bọt, bình nước pha phụ gia hoặc bình CO 2 .

Để trang bị đúng loại bình thích hợp cho ô tô của mình, trước hết chúng ta phải hiểu rõ ưu nhược điểm của từng loại bình.

Tính năng cứu hỏa:

Các cơ quan phòng cháy chữa cháy của Hoa Kỳ đã chia các vụ hỏa hoạn ra thành nhiều loại khác nhau tùy theo thành phần các chất gây cháy.

Loại A là những vụ hỏa hoạn do các chất có thành phần tự nhiên như gỗ, vải, giấy…gây ra. Trong khi đó các chất cháy loại B gồm: xăng dầu, nhựa plastic. Còn loại C là các vụ cháy do cầu chì, thiết bị điện tử chập nổ tạo thành…

Như vậy đối với nguyên nhân cháy nổ ở xe hơi thường do xăng dầu và chập điện sẽ phải cần tới bình cứu hỏa loại B và loại C.

Trong 4 loại bình cứu hỏa nêu trên, chỉ có bình dạng bột và bình CO 2 là có thể dập tắt được cùng lúc đám cháy loại B và loại C. Bình dạng bọt và bình nước phụ gia không phải lựa chọn tốt đối với xe hơi.

Nhược điểm của từng loại

Do cấu tạo hóa học khác nhau, mỗi loại bình lại có nhược điểm riêng.

Loại bình bột khô: Các hóa chất sử dụng dập lửa có tính ăn mòn, không nên dùng để xịt vào các vị trí có thiết bị điện tử.

Loại bình CO 2 : Khi xịt nhanh hết hơn loại bình bột có cùng dung tích, dễ gây ngạt trong không gian chật hẹp.

Bảo quản

Cả 2 loại bình bột khô và bình CO 2 đều phải kiểm tra định kỳ van áp suất, chốt hãm, đai ốc. Sau 5 năm phải kiểm tra mức chịu áp suất của vỏ bình.

Đặt bình cứu hỏa ở nơi thoáng mát, nhiệt độ không quá 50 độ C để bảo đảm điều kiện hoạt động tốt nhất.

Có nhiều ý kiến lo lắng về việc bình cứu hỏa sẽ phát nổ khi phải để xe ở ngoài trời nắng nóng. Tuy nhiên, điều này sẽ gần như không thể xảy ra. Đã có nhiều nước trên thế giới áp dụng quy định trang bị bình cứu hỏa trên xe ô tô nhưng vẫn chưa ghi nhận trường hợp bình cứu hỏa phát nổ nào. Khi nhiệt độ cao, van an toàn sẽ xả bớt áp suất ở trong bình ra ngoài. Mốc giới hạn 50 độ C là để đảm bảo điều kiện hoạt động tốt chứ không phải giới hạn gây nguy hiểm.

Vị trí đặt

Theo thông tư quy định: Phương tiện phòng cháy và chữa cháy trang bị đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe.

Vì vậy thay vì để ở cốp sau xe, mọi người nên mua thêm ngàm móc và đặt ở một số vị trí sau đây:

Đặt dưới ghế lái

Dưới bảng táp lô

Nóc sườn xe

Các gia đình có trẻ nhỏ cũng nên chú ý vị trí đặt sao cho thuận tiện, không chiếm diện tích vừa cách xa tầm tay của các bé.

Hiện tại, trên thị trường các bình cứu hỏa đang được bán với giá chỉ từ 150 nghìn tới hơn 300 nghìn một bình 4kg tùy loại bột hoặc CO 2.

THẾ THÀNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *