Bê bối lỗi túi khí Takata đang gặp nguy cơ phá sản

(Baoxehoi) Sau khi có thông tin Tập đoàn Takata nộp đơn xin bảo lãnh phá sản tại Mỹ, giá cổ phiếu của hãng tiếp tục giảm 11% tại sàn Tokyo. Mỹ cũng tiếp tục cảnh báo người dùng về dùng túi khí Takata. 

Theo nguồn tin từ Bloomberg, sau khi rò rỉ thông tin Takata nộp đơn xin bảo lãnh phá sản, ngay lập tức giá cổ phiếu của hãng phụ tùng đã lao dốc triệt để.

Tính đến sáng ngày 11/10, cổ phiếu của Takata giảm giá 6,9% xuống 349 yên (còn 74.800 VND), đây được coi là mức giảm thấp nhất trong gần 1 tháng trở lại đây. Dù hiện tại, nguồn tin của Bloomberg được cho là không rõ ràng nhưng có vẻ như Tập đoàn Takata quả thực đang đứng trên bờ vực phá sản hoặc chấp nhận bán công ty. Lãnh đạo công ty hiện vẫn chưa đưa ra được quyết định và đang phải nhận sự hỗ trợ tư vấn của Công ty Weil Gotshal & Manges LLP.

Thực tế, Takata có thể bảo lãnh phá sản cho chi nhánh tại Mỹ của họ nhưng có vẻ như hãng túi khí đang muốn tìm một đối tác để bán lại công ty. Takata vẫn trả lời với báo chí rằng họ cần thời gian để sản xuất ổn định và cũng để nói chuyện với các bên.

Hiện tại, Takata đang xem xét khoảng 5 đề nghị mua lại công ty. Thực tế, công ty này đang quá vất vả trong việc xử lý khủng hoảng do lỗi túi khí, ước tính thiệt hại do scandal này có thể lên tới 100 triệu USD trên phạm vi toàn cầu, đó là chưa tính việc Takata đã dành ra 35 triệu USD cho các vụ kiện túi khí tại Mỹ, liên quan đến 16 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

xe-tataka

Trước tình trạng có khá nhiều chủ xe chủ quan, không đưa các xe trong diện triệu hồi tới để sửa chữa, Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) đã thực sự phải phát đi thông điệp cảnh báo về túi khí Takata một lần nữa.

NHTSA hiện đã tháo tới 245.000 túi khí Takata để tiến hành thử nghiệm, thì có tới 660 túi khí bị gãy khi bung, tương ứng tỉ lệ 1/371. Có thể nói, con số này được coi là tương đối cao, nhất là khi hậu quả của mỗi đợt nổ túi khí thường dẫn tới chấn thượng nặng hoặc tử vong cho tài xế. Đến nay, thế giới đã có khoảng 15 người tử vong do bị các mảnh kim loại nhọn văng vào người do túi khí bung quá lực, trong đó có tới 10 trường hợp xảy ra ở Mỹ, đó là chưa kể tới 100 trường hợp bị thương.

Những kết quả thử nghiệm mới đây càng khiến cho cơ quan chức năng thêm lo lắng về các mối nguy hiểm nếu như người tiêu dùng không làm theo chỉ thị đó là đi kiểm tra và sửa lỗi túi khí Takata. Cũng có khá nhiều trường hợp do xe quá mới nên vẫn chưa đến lượt triệu hồi (Takata ưu tiên thay thế linh kiện cho xe đời cũ trước).

Hiện tại, Takata đang lãnh khoản phạt lên tới 70 triệu USD tại Mỹ vào tháng 11/2016 và bị yêu cầu loại bỏ ammonium nitrate – 1 chất kích nổ túi khí được cho là nguyên nhân gây tai nạn. Thực tế, khoản phạt có thể cao tới 200 triệu USD nếu như Takata bị phát hiện vi phạm các điều khoản, ví dụ như không ngừng dùng ammonium nitrate. Hiện tại, chưa kể tới khoản phạt thì tất cả chi phí đền bù, khiếu nại và triệu hồi xe cũng khiến nhà cung cấp linh kiện này mất thêm 189 triệu USD trong năm ngoái, trong đó Takata dành ra 35 triệu USD cho các vụ kiện túi khí tại Mỹ.

Hiện tại, NHTSA và Takata đã kí giao ước loại bỏ bộ kích nổ túi khí có chứa ammonium nitrate, nguyên nhân được đưa ra là bởi chất này có thể biến đổi nếu tiếp xúc lâu với độ ẩm, từ đó tạo ra các vấn đề như lực nổ quá mạnh, gây vỡ bơm túi khí và văng các bộ phận này vào hành khách.

Cho tới nay, Honda, Toyota, Ford, Nissan and Mazda đều đã đưa ra thông báo ngừng hợp tác với Takata. Bản thân hãng phụ tùng cũng khẳng định rằng việc khách hàng dần bỏ đi đã đẩy hãng đến bờ vực phá sản.

MINH QUANG

Theo: Tạp chí Công nghệ và đời sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *