(baoxehoi) Mỗi dịp tết Dương được nghỉ, không ít người mở tivi hoặc lên mạng xem những bộ phim Việt Nam, đặc biệt những bộ phim mang đậm nét thời thơ ấu, khiến người xem xúc động, cùng báo xe hơi điểm danh 5 bộ phim dưới đây
1. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, 2015
Đạo diễn: Victor Vũ.
Tạo nên một cơn sốt phòng vé đến chóng mặt, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh. Chuyện phim là tuổi thơ nghèo khó của hai anh em Thiều và Tường trong bối cảnh làng quê Việt Nam những năm 80. Phim đưa người xem trở về thế giới tuổi thơ trong trẻo và mộc mạc của những trò chơi thơ ấu, những trận đòn roi của bố, những hân hoan, sợ sệt khi nảy sinh tình cảm đầu đời với một người bạn gái, cả những day dứt và nỗi buồn nhẹ nhàng, nhưng lắng dịu ngọt ngào.
Tường (Trọng Khang) và Mận (Thanh Mỹ) trong một cảnh quay.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, 2015
Phim được người xem đánh giá không những bởi nội dung trong trẻo mà còn bởi những cảnh quay đẹp như mơ và giàu cảm xúc.
2. Đội đặc nhiệm nhà C21, 1998
Đạo diễn: Vũ Hồng Sơn.
“Đội đặc nhiệm nhà C21” là bộ phim dựa trên bộ truyện cùng tên của nhà văn Bùi Chí Vinh, với 7 thành viên: Minh tổ cú, Sơn sọ, Tùng quắt, Quang sọt, Sáng béo, Hạnh tăm tre và Tuyết mèo con. Mới chỉ là học sinh cấp 2, nhưng nhóm bạn đều say mê phá án. Và chính nhờ niềm đam mê đó mà Đội đặc nhiệm nhí này đã phá thành công nhiều vụ án quan trọng, giúp ngôi trường và khu tập thể được bình yên. Phim mang đến tiếng cười cho thế hệ 8X, đầu 9X bởi những tình huống hài hước đầy kịch tính. Bộ phim còn là tuổi thơ đáng nhớ với những tình cảm thầy trò, tình bạn bè thân thương, cảm động.
Hình ảnh trong phim “Đội đặc nhiệm nhà C21”.
3. Đất phương nam, 1997
Đạo diễn: Nguyễn Vinh Sơn.
Mất mẹ, cậu bé An trôi dạt tha phương trên bước đường đi tìm cha. Lưu lạc về phương Nam, An gặp những cảnh đời ngang trái, những mảnh đời lầm than của người nông dân dưới ách áp bức của phong kiến và thực dân. Họ bị đàn áp, bị chiếm đất, chiếm ruộng, bị bóc lột đến mức không chịu đựng nổi. Những người nông dân chất phác, bằng cách này hay cách khác đã nổi dậy khởi nghĩa.
An long đong chìm nổi khắp vùng đất phương Nam nghèo khó, nhưng đi đến đâu cậu cũng được người dân đùm bọc, thương yêu. Bộ phim đã đưa những nhân vật chính trong truyện cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi lên màn ảnh nhỏ, và trở thành những nhân vật có sức sống bền bỉ trong lòng người xem như Võ Tòng, Út Trọng, An, thằng Cò…
An (trái) – chú bé mồ côi mẹ và đi tìm cha do diễn viên Hùng Thuận khi ấy 12 tuổi đóng.
Nhân vật thằng Cò do diễn viên Phùng Ngọc thủ vai – người bên cạnh và giúp đỡ An trên hành trình tìm cha.
4. Bỏ trốn, 1996
Đạo diễn: Nhuệ Giang.
Chuyện phim kể về số phận đáng thương của Thi. Mẹ em bị tai nạn mất sớm, bố nghiện hút, người bác dâu miễn cưỡng phải nuôi Thi nhưng rồi cũng tìm cách đuổi em ra khỏi nhà. Thi lạc vào thế giới của những người lao động nghèo, của những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ phải tự bon chen kiếm sống từng đồng. Nhưng chính nơi đây, Thi nhận ra lòng nhân ái, tình thương đến từ những con người không phải gia đình ruột thịt của mình.
“Bỏ trốn” là bộ phim được phát triển trên truyện ngắn của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.
5. Tuổi thơ dữ dội, 1989
Đạo diễn: Nguyễn Vinh Sơn.
Phim có tên là tuổi thơ nhưng lại dành cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Bối cảnh phim là chiến trường Huế những năm 40, khi những cậu bé ở lứa tuổi lên 9 lên 10, lẽ ra phải được đến trường thì lại lăn lộn trong cuộc chiến. Sự hồn nhiên và lòng yêu nước của chúng tạo nên những câu chuyện cảm động và những nhân vật sống mãi với thời gian.
Tuổi thơ dữ dội được chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Phùng Quán.
Câu chuyện là khúc tráng ca bi hùng về những thiếu niên đã chiến đấu và hi sinh vì cuộc chiến giải phóng dân tộc. Là Lượm – nhân vật chính của bộ phim,có cha là bị chết ở Côn Đảo. Lượm được cài làm trinh sát trong thành phố Huế và đã lập kế hoạch vượt ngục đến 3 lần. Là Mừng – cậu bé vào đội du kích ban đầu chỉ vì lí do hái lá làm thuốc cho mẹ, em đã phát hiện ra âm mưu ăn trộm bản đồ của một thành viên được địch cài vào trong đội nhưng không ngăn chặn được và bị mọi người nghi ngờ là việt gian.
Em hy sinh khi giúp bộ đội giật bom giết địch lúc quân Pháp siết chặt vòng vây vào chiến khu Hòa Mỹ , Là Quỳnh sơn ca – con trai phó Tổng trấn Trung Kỳ đã từ chối cuộc sống giàu sang cùng bố mẹ để ở lại chiến khu sáng tác nhạc trên lá rừng rồi vỡ tim mà chết trước hành động phản phúc của gia đình… là một loạt cái tên như: Tư dát, Bồng da rắn, Vịnh sưa, Vệ to đầu… khiến ai cũng phải xót thương và kính phục.
PHƯƠNG ANH (tổng hợp)