Ảnh minh họa
Sau khi khai tử RON 92 để dùng E5 RON92 thì giá ethanol E100 – nguyên liệu để phối trộn xăng E5 – liên tục tăng, gây áp lực tăng giá xăng E5. Nếu đề xuất bỏ nốt xăng RON 95 được chấp thuận thì thị trường chỉ còn 2 loại xăng sinh học là E5 RON92 và E5 RON95. Hiện nay chỉ có duy nhất 1 đầu mối cung cấp Ethanol pha xăng và điều này dấy lên mối quan ngại về nguy cơ độc quyền nguồn cung E100, và tăng giá khiến giá xăng E5 khó rẻ.
Nguyên liệu làm xăng E5 tăng giá liên tục
Saigon Petro đặt ra vấn đề nên sớm triển khai bán xăng sinh học E5 RON95 và chỉ kinh doanh 2 loại xăng sinh học toàn quốc là E5RON92 và E5RON95.
Trong khi đó, trên thị trường, hiện chỉ có một nhà cung cấp cồn E100 duy nhất là Công ty TNHH Tùng Lâm, còn các nhà máy khác có vốn đầu tư của Nhà nước như Ethanol Dung Quất, Ethanol Bình Phước đều đang dừng hoạt động, Ethanol Phú Thọ thì xây dựng dở dang.
Sau khi khai tử RON 92 để dùng E5 RON92 thì giá E100 – nguyên liệu để phối trộn xăng E5 (5% ethanol, 95% xăng khoáng) liên tục tăng. Công ty TNHH Tùng Lâm đã nhiều lần tăng giá E100.
Xăng E5 đang được bán thay thế cho xăng RON 92. Ảnh: Lao động
Nếu nửa đầu năm 2017, giá ethanol dao động trong khoảng 13.700-13.800 đồng/lít thì từ tháng 10/2017 liên tục tăng, vượt qua mốc 14.200 đồng/lít. Đến kỳ điều chỉnh gần đây nhất, giá ethanol đã tăng lên 14.488 đồng/lít (chưa có thuế giá trị gia tăng). Nếu ethanol cứ tăng giá thì sẽ gây áp lực, làm tăng giá xăng E5.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Kiên Chỉnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tùng Lâm, cho biết, trong 10 tháng (từ tháng 6/2017 đến 15/4/2018), giá sắn đã tăng thêm 2.000 đồng/kg (từ 3.600 đồng lên 5.600 đồng).
Ông Chỉnh khẳng định, việc tăng giá E100 là “bắt buộc”, không phải vì lý do công ty độc quyền. Trong việc tăng giá thu mua nguyên liệu sắn, người được hưởng lợi nhiều nhất là nông dân. Đại diện Công ty Tùng Lâm mong muốn được các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho sản xuất E100 trong nước thay vì nhập khẩu cồn từ nước ngoài.
Rõ ràng, khi nguồn cung E100 để phối trộn xăng sinh học chưa dồi dào nên đề xuất khai tử xăng khoáng RON 95 để chỉ dùng xăng E5 gây ra nhiều lo ngại.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, nếu thực hiện ngay đề xuất xóa bỏ xăng RON95 sẽ không ổn do gặp nhiều khó khăn.
“Đó là chúng ta chưa chuẩn bị đủ các điều kiện để chuyển ngay sang xăng sinh học hoàn toàn, mà cần có lộ trình nhất định để ổn định về nguồn lực về sản xuất ethanol (dùng pha chế xăng E5), hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh doanh xăng dầu,… ”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nhận định.
Ông Thỏa lo ngại việc phát triển nguồn nguyên liệu cũng chưa đồng bộ, chưa theo quy hoạch sẽ khó khăn nhất định cho việc sản xuất nguyên liệu làm xăng sinh học E5. Nếu để như hiện tại sẽ sinh ra độc quyền, làm giá xăng không ổn định.
Nhà máy ethanol Dung Quất đắp chiếu khiến nguồn cung E100 phụ thuộc vào một doanh nghiệp. Ảnh: L.Bằng
Trông chờ 2 nhà máy đắp chiếu hồi sinh
Chia sẻ với PV.VietNamNet, ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, cho rằng: Trước hết, cần khẳng định về mặt kỹ thuật xăng E5 RON 95 tốt hơn xăng RON 95 đang bán trên thị trường đối với động cơ cũng như môi trường (tương tự như xăng E5 RON92 tốt hơn xăng RON92). Mọi ý kiến cho là xăng E5 RON 95 không phù hợp cho xe đang dùng xăng RON 95 đều không đúng.
Do đó, ông Lưu Quang Thái khẳng định, nếu có điều kiện thì thay thế xăng RON 95 bằng xăng E5 RON 95 “càng sớm càng tốt”.
Ông Thái thừa nhận việc chỉ có hai nhà máy của Công ty Tùng Lâm sản xuất E100 thì chỉ đủ cho việc thay thế toàn bộ xăng RON 92 bằng xăng E5 RON 92.
“Nếu sử dụng E5 RON 95 và bỏ xăng RON95 ngay thì phải nhập khẩu E100, hoặc nhà nước phải hỗ trợ Nhà máy Bình Phước và Nhà máy Dung Quất tái sản xuất”, ông Thái nói.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Nhiên liệu sinh học, nguyên nhân chính khiến 2 nhà máy này không hoạt động là do bị lỗ nặng nếu giá xăng và giá sắn như hiện nay. Bản thân 2 nhà máy của Tùng Lâm cũng đang lỗ nhưng do chi phí sản xuất thấp và bán được phụ phẩm nên “còn cầm cự được”.
“Lộ trình thay thế xăng RON 95 bằng E5 RON95 phụ thuộc nhà nước xử lý các vấn đề trên như thế nào”, ông Thái chia sẻ.
Trước nỗi lo độc quyền cung cấp nguyên liệu xăng sinh học, ông Lưu Quang Thái cho rằng: Không có vấn đề độc quyền E100 vì các công ty xăng dầu có quyền nhập khẩu E100 (2 tháng đầu năm nay đã có 3 lô hàng nhập khẩu về Việt Nam). Giá nhập còn cạnh tranh hơn sản xuất trong nước.
Nhưng, giá sắn cao sẽ khuyến khích đầu tư cho trồng sắn trên cả nước, các nhà máy sản xuất E100 sẽ khôi phục và xây thêm. Khi đó, cả người nông dân, nhà sản xuất, công ty phân phối đều hưởng lợi, người tiêu dùng có sản phẩm tốt hơn, rẻ hơn.
“Nhưng trên hết không phải là vấn đề kinh tế mà là sức khoẻ của người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bởi, ô nhiễm không khí, trong đó phần lớn do khí thải của ô tô xe máy, nhà máy điện chạy than gây ra hàng ngày tàn phá hệ hô hấp của con người. Đó cũng là lý do chính mà hơn 70 nước đã và đang đoạn tuyệt với xăng khoáng và than đá”, ông Lưu Quang Thái bày tỏ quan điểm.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa đạt khoảng 1,4 triệu m3, trong đó xăng E5 RON 92 đạt 593 nghìn m3, chiếm 42%; xăng RON 95 đạt khoảng 836 nghìn m3, chiếm 58%.
Có nghĩa, người dân vẫn tiêu thụ xăng RON 95 là chính. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích tiêu dùng xăng E5 vẫn chưa đủ hấp dẫn. Giá xăng E5RON 92 chỉ thấp hơn giá xăng RON 95 hơn 1.500 đồng.
Các DN đầu mối xăng dầu lớn đều cho rằng, nếu khoảng cách chênh lệch về giá giữa E5 và RON 95 là 1.800-2.000 đồng thì sẽ tạo được sự hấp dẫn đối với xăng E5 nhiều hơn.
Theo: Vietnamnet