Hãng Facebook đã thực hiện việc thay đổi thuật toán trên News Feed làm cho những thông tin đăng bằng link của các tờ báo sẽ ít xuất hiện tự nhiên hơn trước kia, vì thế giảm lượng người truy cập nhiều. Đồng thời việc đăng ảnh hay thông tin, suy nghĩ của cá nhân sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Theo báo Anh Financial Times trích dẫn thông tin từ SocialFlow cho biết Facebook sẽ ưu tiên các nội dung từ người thân và bạn bè. Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nội dung, từ việc chia sẻ liên kết, video, live stream và hình ảnh. Tuy nhiên, hãng không đề cập đến tỷ lệ cụ thể.
Cụ thể hơn trong cùng một liên kết, Facebook sẽ ưu tiên nội dung được bạn bè hoặc người thân của bạn bình luận, chia sẻ và tương tác. Những nội dung được đăng bởi các nhà xuất bản sẽ có tỷ lệ xuất hiện tự nhiên thấp đi trên bảng tin của người dùng. Rõ ràng, ẩn đằng sau thuật toán mới, mạng xã hội lớn nhất hành tinh đang muốn nhắm vào các hãng thông tấn, báo chí.
Khi các nhà xuất bản gặp khó khăn để thu hút độc giả cũng như việc suy giảm doanh thu từ quảng cáo trực tuyến thì Facebook trở thành miền đất mới giúp các tờ báo, tạp chí tiếp cận được độc giả cùng nguồn doanh thu được cải thiện.
Đỉnh điểm của mối quan hệ này là việc Facebook đã mở cửa tính năng Instant Articles (Báo chí tức thì), cho phép người dùng có thể đọc báo đồng thời tương tác trên ứng dụng Facebook với tốc độ tải trang nhanh hơn 10 lần so với việc dùng trình duyệt web trên điện thoại. Dù đã có trên 1.000 nhà xuất bản tin tức sử dụng nhưng tính năng này cũng sẽ bị ảnh hưởng từ thuật toán mới của Facebook.
Nhiều tòa soạn cũng như các cơ quan báo chí lo ngại, Facebook sẽ khiến họ phải phụ thuộc vào cách đưa tin này cũng như mất quyền kiểm soát các kênh phân phối, và sau đó là bị “chèn ép” tỷ lệ ăn chia từ doanh thu quảng cáo.
Mối quan hệ giữa các nhà xuất bản và Facebook đã căng thẳng từ rất lâu. Động thái của Facebook dường như muốn “nhắc nhở” các cơ quan phát hành rằng họ không có quyền truy cập trực tiếp đến người dùng trên nền tảng mạng xã hội.
Nguồn: Tạp chí Công nghệ và đời sống