Sự thật về việc Ford “tháo chạy” ở một số thị trường lớn

(Baoxehoi) Nhiều chuyên gia xe cộ đang đưa ra những nhận định khác nhau về việc Ford rút khỏi 1 số thị trường lớn, nguyên nhân có thể vì doanh số thấp và có thể Ford sẽ tập trung vào phân khúc xe nhập khẩu từ thị trường Mỹ.

Nobuyuki Takahashi ghé thăm showroom của Ford tại Nhật Bản để lái thử chiếc SUV Explorer mới nhất. “Hầu hết trong chúng tôi (người Nhật) đều nghĩ rằng xe Ford quá lớn và ngốn quá nhiều xăng”, ông chia sẻ.

xe-ford-range-ban-tai1

Tuy vậy, Takahashi, năm nay 55 tuổi, đã là khách hàng trung thành của Ford trong 15 năm với một chiếc Focus và một chiếc Fiesta trong gara. Ông cho biết mình thích Ford bởi “chúng khác biệt với các dòng xe khác tại đây. Mọi mẫu xe Nhật nhìn đều na ná nhau. Dù Ford chỉ là một thương hiệu ‘không quá nổi bật’ tại đây nhưng tôi thích thiết kế của họ”, ông cho biết.

Còn đối với lãnh đạo của Ford, vị thế của hãng tại Nhật lại là “quá không nổi bật”. Tại Indonesia cũng vậy.

Tại thị trường Indonesia, 10 thương hiệu dẫn đầu đều đến từ Nhật, chiếm tới 97% tổng thị phần. Tại Nhật các thương hiệu nội địa cũng chiếm tới 94% doanh số tổng.

xe-ford-ban-tai1

Do vậy, Ford buộc phải hy sinh 2 thị trường trên để tập trung vào các nơi sinh lời khác.

“Mọi việc đối với chúng tôi đã rõ ràng: không có cách nào để công ty thu lời bền vững tại 2 thị trường nói trên”, phó chủ tịch truyền thông Ford châu Á Thái Bình Dương Karen Hampton cho biết. Ford sẽ ngưng hoàn toàn hoạt động tại Nhật và Indonesia vào cuối năm nay.

Động thái trên tại Nhật đánh dấu chấm hết cho Ford – một trong những thương hiệu nước ngoài tham gia thị trường ô tô tại đây sớm nhất vào năm 1925. Dù bị ngưng hoạt động vào giai đoạn thế chiến thứ 2 do xung đột giữa 2 quốc gia nhưng Ford nhanh chóng trở lại và thu lời lớn tại đây. Việc sở hữu Mazda trong giai đoạn đó giúp hãng nhanh chóng tiếp cận khách hàng, và tới năm 1996 hãng vẫn tăng trưởng mạnh mẽ với trung bình 15.000 xe nhập bán ra hàng năm, chưa tính lượng xe sản xuất nội địa bởi Mazda gắn mác Ford.

Tuy nhiên, dưới sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường và các thương hiệu bản địa Nhật, Ford dần mất đi miếng bánh của mình tại đây, đặc biệt là sau khi hãng chia tay Mazda. Trong năm ngoái, Ford chỉ bán ra được chưa tới 5.000 xe tại đây, và có lẽ không phải doanh thu mà là niềm tự hào, tự tôn của Ford khiến họ chưa thể đưa ra quyết định rút lui vào giai đoạn trước đó.

Việc Ford buộc phải đưa ra quyết định cay đắng kể trên chính thức thừa nhận rằng các dòng xe Mỹ không có cửa cạnh tranh lại với xe Nhật trên “sân khách”. Ngay cả tại “sân nhà” Mỹ, thị phần của các dòng xe nội địa cũng đang bị xe Nhật lấn át.

xe-ford-suv-dep

Ngoài Ford, GM, FCA đều chỉ “xuất hiện cho có” ở Nhật với các dòng xe biểu trưng như Chevrolet Camaro, Cadillac hay Jeep chứ hoàn toàn không có cửa cạnh tranh lại với các dòng xe nội địa ở thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới.

Tại Indonesia, Ford bán ra 6.000 xe trong năm ngoái, quá thấp so với con số hàng trăm nghìn xe tiêu thụ mỗi năm tại đây. Tương tự như tại Nhật, các dòng xe Ford nhập khẩu không thể đối chọi lại với các dòng xe Nhật được sản xuất nội địa – những dòng xe được tinh chỉnh cặn kẽ nhất để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng bản địa.

Có thể nói quyết định mà Ford đưa ra là khá “đau đớn”, bởi việc rút lui khỏi 2 thị trường lớn một lúc không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là khi CEO hiện tại của Ford là Mark Fields cùng nhiều vị trí lãnh đạo của công ty là những người hiểu thị trường Nhật nhất bởi đã TỪNG là lãnh đạo Mazda. Hy vọng, Ford có thể tái dịch chuyển cơ cấu đầu tư của mình sang các thị trường khác hiệu quả và nhờ đó trở lại mạnh mẽ hơn.

THẾ THÀNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *