Hệ thống quy chuẩn về báo hiệu giao thông QCVN 41:2016/BGTVT đã chính thức có hiệu lực từ 1/1/2016; trong đó có một số biển cấm hoàn toàn mới sẽ được sử dụng trong thời gian tới đây. Hãy cùng tìm hiểu để không lúng túng khi tham gia giao thông.
Các biển báo mới này xuất hiện sẽ quy định rõ hơn về những trường hợp rẽ và quay đầu xe, biển cấm dành riêng cho taxi, biển cấm tốc độ vào ban đêm cũng như các biển báo quy định tốc độ tối đa.
Trong số các biển cấm hoàn toàn mới này, sẽ có một số biển báo dễ dàng nhận ra ngay, nhưng về pháp lí đây là những biển báo đúng quy chuẩn và lần đầu tiên xuất hiện trong hệ thống biển báo được công nhận tại Việt Nam.
Do vậy, dù có những loại biển báo mà mọi người dễ dàng đoán được nội dung mà truyền tải, nhưng nếu không có trong hệ thống QCVN thì về mặt pháp lý, chúng ta hoàn toàn không cần phải làm theo yêu cầu trên biển, và đương nhiên sẽ không bị phạt.
Các biển cấm hoàn toàn mới đáng chú ý nhất trong QCVN 41:2016 :
Biển P.107a: Để báo cấm ôtô chở khách đi qua trừ các xe ưu tiên theo quy định. Biển này không cấm xe buýt. Trường hợp cấm xe khách theo số chỗ ngồi thì sử dụng biển phụ ghi số chỗ ngồi đối với các xe cần cấm.
Biển P.107b: Để báo cấm xe ôtô taxi đi lại, trường hợp cấm xe ôtô taxi theo giờ thì đặt biển phụ ghi giờ cấm.
Biển P.108a: Để báo đường cấm các loại xe sơ-mi-rơ-moóc và các xe kéo rơ- moóc trừ các xe được ưu tiên (có dạng xe sơ-mi-rơ-moóc hoặc có kéo theo rơ-moóc) theo quy định. Trong khi đó, trong quy chuẩn về báo hiệu đường bộ mới, vẫn còn biển P.108 để báo cấm các loại xe cơ giới kéo theo rơ-moóc kể cả xe máy, máy kéo, ôtô khách kéo theo rơ-moóc đi lại, trừ loại ôtô sơ-mi-rơ-moóc và các xe được ưu tiên (có kéo theo rơ-moóc) theo quy định.
Biển cấm xe máy cũ, theo bộ quy chuẩn năm 2012 (trái) và biển cấm xe máy theo QCVN 41:2016 (phải)
Biển P.111a: Để báo đường cấm xe máy và xe gắn máy đi qua đã có sự thay đổi về hình ảnh mô tả. Biển không có giá trị đối với xe đạp.
– Biển số P.124a cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) quay đầu, chiều mũi tên phù hợp với chiều cấm quay đầu xe. Trừ các loại xe ưu tiên theo quy định. Biển không có giá trị cấm rẽ trái để đi sang hướng đường khác.
– Biển số P.124b cấm xe ôtô (xe ôtô và xe máy 3 bánh) quay đầu, chiều mũi tên phù hợp với chiều cấm quay đầu xe. Trừ các loại xe ưu tiên theo quy định. Biển không có giá trị cấm rẽ trái để đi sang hướng đường khác.
– Biển số P.124c để báo cấm các loại xe rẽ trái đồng thời cấm quay đầu.
– Biển số P.124d để báo cấm các loại xe rẽ phải đồng thời cấm quay đầu.
– Biển P.124e để báo cấm xe ôtô rẽ trái và đồng thời cấm quay đầu.
– Biển P.124f để báo cấm xe ôtô rẽ phải và đồng thời cấm quay đầu.
Như vậy, kể từ 1/11/2016 các phương tiện bị cấm quay đầu sẽ không bị cấm rẽ để chuyển sang hướng khác.
Biển P.127a
Biển cấm P.127a quy định tốc độ tối đa cho phép vào ban đêm và được đặt cho một số trường hợp qua khu đông dân cư vào ban đêm nhằm mục đích nâng cao tốc độ vận hành khi đường ít xe chạy. Biển chỉ có hiệu lực trong thời gian ghi trên biển và trong phạm vi từ vị trí đặt biển đến vị trí biển số R.421 “Hết đoạn đường qua khu đông dân cư”.
Ngoài ra, tốc độ tối đa cho phép lớn nhất về ban đêm tính bằng km/h và không lớn hơn 80 km/h. Tuy nhiên trong phạm vi hiệu lực của biển P.127a ”Tốc độ tối đa cho phép về ban đêm”, nếu gặp biển số P.127 “Tốc độ tối đa cho phép” thì người lái phải tuân thủ theo giá trị tốc độ tối đa quy định ghi trên biển số P.127.
Biển quy định tốc độ tối đa theo làn đường P.127b, xe chạy trên làn nào phải tuân thủ tốc độ tối đa cho phép trên làn đường đó. Biển quy định tốc độ tối đa theo chủng loại xe P.127c, các loại phƣơng tiện phải đi đúng làn đường và tuân thủ tốc độ tối đa cho phép trên làn đường đó.
Biển số P.127d cho biết hết hạn chế tốc độ tối đa cho phép theo biển ghép. Kể từ biển này, các xe được phép chạy với tốc độ tối đa đã quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
Theo: Báo Dân Trí