(Baoxehoi) Theo tiết lộ của anh chàng Nguyễn Hà Đông thì anh đã nộp 1,4 tỷ đồng tiền thuế cho trò chơi Flappy Bird, anh cũng có 1 số chia sẻ khác liên quan trò chơi này
Sự phát triển của công nghệ, internet đã giúp hình thành nên các mô hình kinh doanh và cung cấp dịch vụ công nghệ. Theo đó, việc quản lý thuế đối với lĩnh vực này cũng đặt ra nhiều thách thức với cơ quan quản lý thuế, đặc biệt trong loại hình thương mại điện tử như: trò chơi trực tuyến, mua bán hàng qua mạng, quảng cáo trực tuyến…
Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng – Phó Ban Cải cách và hiện đại hóa Tổng cục Thuế, có những loại hình kinh doanh và cung cấp dịch vụ số chưa có trong quy định của cơ quan nhà nước về quản lý thuế, nên việc kiểm tra, truy thu thuế gặp rất nhiều khó khăn. Đáng chú ý là trường hợp của Nguyễn Hà Đông, với doanh thu “khủng” đến từ quảng cáo game Flappy Bird chủ yếu trên Google, Apple.
Nhiều tính toán trước đó đưa ra, doanh thu của Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird khoảng 50.000 USD/ngày (khoảng 1 tỷ đồng) từ việc quảng cáo trên nền tảng ứng dụng này. Trước tình hình đó, đầu năm 2014 Tổng cục Thuế đã tiến hành kiểm tra, làm rõ mức thu nhập thực tế mà Cha đẻ Flappy Bird nhận được.
Tại thời điểm ấy, ông Bùi Văn Nam – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: “Hiện chính sách thuế đã có đầy đủ, nên chúng tôi sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp và các cá nhân kê khai và nộp vào Ngân sách Nhà nước. Cơ quan thuế sẵn sàng hỗ trợ về mặt kê khai theo tinh thần ủng hộ và tạo mọi điều kiện, triển khai đầy đủ các chế độ ưu đãi.”
Đến nay, việc kiểm tra và hướng dẫn kê khai nộp thuế của Nguyễn Hà Đông khá thuận lợi. Theo ông Tiến, cơ quan thuế đã trao đổi với các bộ ngành để xác định loại hình kinh doanh của Nguyễn Hà Đông thuộc loại hình nào, và cha đẻ của Flappy Bird đã “tự giác” nộp thuế.
“Theo thông tin chúng tôi đang nắm được thì Nguyễn Hà Đông đã tạm thời nộp hơn 1,4 tỷ đồng tiền thuế” – Vụ trưởng – Phó Trưởng Ban Cải cách và hiện đại hoá của cơ quan thuế cho biết thêm.
Tuy nhiên theo tính toán trước đó của nhiêu chuyên gia trong ngành, Nguyễn Hà Đông có thể sẽ phải nộp khoảng 10 tỷ đồng tiền thuế cho các cơ quan chức năng. Như vậy, với số tiền mà Nguyễn Hà Đông đã nộp thì vẫn… chưa thấm vào đâu.
Không chỉ riêng trường hợp của Nguyễn Hà Đông làm “đau đầu” cơ quan thuế, ông Tiến còn dẫn ra trường hợp của một đơn vị kinh doanh loại hình tiền kỹ thuật số, tức là kinh doanh tiền ảo trên thị trường quốc tế, có doanh số lên tới 170 tỷ đồng.
Được biết, cơ quan công an đã điều tra vụ việc này và dự định khởi tố. Tuy nhiên, cơ quan quản lý về thuế lại cho rằng đây là hoạt động kinh doanh mà pháp luật không cấm, đơn vị này kinh doanh hợp pháp nên việc khởi tố là không hợp lý.
Vấn đề đặt ra là thu thuế như thế nào trong khi nền tảng pháp lý chưa công nhận tiền kỹ thuật số là loại tài sản, phương thức hoạt động cũng chưa quy định và đây lại là ngành nghề pháp luật không cấm. Điều này đã đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan thuế trong việc quản lý thuế đối với những loại hình này.
“Vấn đề là họ nhận thức chính sách thuế và cơ quan thuế xác định đơn vị này kinh doanh theo loại hình nào. Bởi hiện nay loại hình kinh doanh kỹ thuật, nội dung số cần nhìn nhận khách quan hơn và ưu tiên pháp triển. Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, quan trọng là quản lý như thế nào chứ không phải là hình sự hóa vấn đề đó” – ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, để hỗ trợ lĩnh vực này phát triển và đảm bảo việc quản lý và thu thuế, thời gian tới cơ quan thuế sẽ tham mưu cho Bộ Tài chính, xem xét và rà soát lại hoạt động nội dung số có thách thức về chính sách nào để.
Ngoài ra, cơ quan thuế cũng sẽ phân loại từng hoạt động và có chuyên gia theo dõi sát hoạt động thuế. Trên cơ sở xây dựng đội ngũ cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực trong việc xây dựng chính sách và kiểm tra thuế.
Theo: Tạp chí Công nghệ và đời sống