Mở cửa xe ô tô không quan sát bị phạt thế nào ?

Ảnh: Một vụ việc đau lòng do tài xế mở cửa xe ô tô không quan sát khiến cô gái trẻ bị chết oan uổng

Hỏi: Tôi thấy có nhiều trường hợp trên đường phố người đi xe ô tô mở cửa nguy hiểm mà không quan sát, có khá nhiều trường hợp người đi xe xe máy, xe đạp gần bị ngã. Với trường hợp này thì phạt thế nào ?

Đức Nguyên (Lào Cai)

Trả lời

– Theo khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe phải thực hiện quy định sau: “đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn”.

Nếu vi phạm quy định nêu trên thì sẽ bị xử lý theo điểm g Khoản 2 và điểm c Khoản 12 Điều 5 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP: Phạt tiền 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển ô tô thực hành vi vi phạm sau đây:

Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng

– Ngoài trách nhiệm bồi thường, người mở cửa ô tô thiếu quan sát, gây ra tai nạn cho người khác còn có thể bị phạt hành chính, hoặc khởi tố hình sự nếu hậu quả nghiêm trọng.

Trong trường hợp việc vi phạm về việc mở cửa xe mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì bị xử phạt hành chính về lỗi “mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn” theo điểm g Khoản 2 Điều 5 Nghị định 46 năm 2016 của Chính với mức phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

Còn nếu làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì sẽ bị truy cứu TNHS về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và áp dụng điểm có lợi theo Điều 260 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp nêu trên, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm…

AN NHIÊN

Theo: Tạp chí xe hơi Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *