Gần 6.000 đường ngang giao cắt với đường sắt: “Bẫy” tai nạn giao thông nghiêm trọng

Ảnh minh họa: Gần 6.000 đường ngang giao cắt với đường sắt quốc gia tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT

Ngành đường sắt đã đề cập đến việc hiện đại hóa tín hiệu đường sắt từ khá lâu nhưng đến nay dường như vẫn giậm chân tại chỗ. Gần 6.000 điểm giao cắt với đường ngang dân sinh lúc nào cũng chực chờ xảy ra TNGT nghiêm trọng.

Đa số tai nạn xảy ra ở đường ngang

Lái xe điều khiển chiếc ô tô va chạm với tàu Bắc – Nam xảy ra tại Thường Tín vào 5h sáng 24-10 vừa qua vẫn đang trong tình trạng nguy kịch tại Bệnh viện Việt Đức. 6 người cùng đi trên xe đã tử vong. Thực trạng đau lòng này đã lặp đi lặp lại. Sau mỗi vụ việc, người ta lại nói nhiều đến những đường ngang thiếu gác chắn, thiếu nhân viên, hỏng đèn tín hiệu… và rồi tất cả lại rơi vào im lặng.

Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, 9 tháng năm 2016, trên địa bàn cả nước xảy ra 300 vụ TNGT liên quan đến đường sắt, giảm 83 vụ (bằng 21,7%) so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 291 vụ (chiếm 97%) xảy ra tại các đường ngang, trên đường sắt và dọc các tuyến đường sắt. Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thừa nhận, trong những năm gần đây TNGT tại các điểm giao cắt đồng mức chiếm khoảng 85% trong tổng số các vụ tai nạn đường sắt.

“Phần lớn các tuyến đường sắt chạy song song với đường bộ và đi qua các khu đô thị, khu công nghiệp đông dân cư, kéo theo sự phát triển bùng nổ các điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ. Tỷ lệ lối đi dân sinh chiếm 74%. Bình quân 1km đường sắt có 1,85 điểm giao cắt. Đây chính là các điểm tiềm ẩn có nguy cơ rất cao về tai nạn”, ông Đoàn Duy Hoạch nhìn nhận.

Theo báo cáo của VNR, hiện nay trên toàn mạng lưới đường sắt có 5.793 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ (đường ngang). Cụ thể, đường ngang có 1.514 đường, trong đó 641 đường ngang có người gác, 366 đường ngang có cảnh báo tự động, 507 đường ngang có biển báo; đường dân sinh, lối đi dân sinh có 4.279 điểm.

Ông Đoàn Duy Hoạch cho biết, từ năm 2013 đến nay, VNR đã xóa bỏ được 155 điểm giao cắt, lối đi dân sinh; xây dựng được 51,920 km/79,880km đường gom và 55,24km hàng rào cách ly; triển khai lắp đặt cần chắn tự động tại 102/366 đường ngang cảnh báo tự động; lắp đặt động cơ điện cho cần chắn, giàn chắn tại 153/641 đường ngang có gác.

Bên cạnh đó, VNR cũng phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương cắm được 2.702 biển “chú ý tàu hỏa”; thu hẹp 689 lối đi dân sinh; hướng dẫn nghiệp vụ cho người địa phương tham gia cảnh giới hoặc chốt gác…

Không có cao tốc khi đường ngang chằng chịt

Dù ngành đường sắt đã cố gắng song đến nay, trục Bắc – Nam vẫn tồn tại hàng nghìn đường ngang dân sinh không có người chắn. Nhiều khi, ngành đường sắt đóng đường ngang này thì người dân ở hai bên đường sẵn sàng mở lối tắt khác băng qua đường sắt để đi lại cho… tiện. Có thể nhận thấy, tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua địa bàn Hà Nội không khác gì đường làng khi mà các điểm giao cắt san sát, hai bên hành lang đường sắt người dân chiếm dụng không còn khoảng trống.

Ngành đường sắt đang xây dựng đề án đường sắt cao tốc Bắc – Nam để trình Chính phủ thẩm định vào năm 2018, sau đó trình Quốc hội xin chủ trương. Theo đề án này, thời gian từ ga Hà Nội – Hòa Hưng là 5 giờ 38 phút đối với tàu nhanh (chỉ đỗ ở Vinh và Nha Trang) và 5 giờ 51 phút đối với tàu thường đỗ ở tất cả các ga. Kinh phí dự tính hơn 1 triệu tỷ đồng. Tuy vậy, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, nếu không giải quyết được bài toán đường ngang giao cắt thì sẽ không có đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Ông Đoàn Duy Hoạch cho hay, VNR đã lên kế hoạch nâng cao ATGT đường ngang, lối đi dân sinh. Cụ thể, với đường ngang có người gác giao cắt giữa đường sắt với quốc lộ, đường tỉnh, sẽ lắp đặt tín hiệu ngăn đường trên đường sắt, những đường ngang có tầm nhìn hạn chế lắp đặt thêm thiết bị cảnh báo tàu gần đến đường ngang; lắp đặt tín hiệu đường bộ có cần vươn ra giữa làn đường bộ đi vào đường ngang để người tham gia giao thông đường bộ nhìn thấy từ xa; xây gờ giảm tốc bắt buộc trên đường bộ trước khi vào đường ngang để hạn chế tốc độ của phương tiện giao thông đường bộ.

Còn với các đường ngang nội bộ, các đường ngang tự phát (mở trái phép – bất hợp pháp), VNR đề nghị chủ thể, doanh nghiệp, chính quyền địa phương phối hợp với đơn vị đường sắt sở tại để tổ chức rào chắn hạn chế phương tiện giao thông đường bộ; cảnh giới, chốt gác 24/24h.

Với đường ngang cảnh báo tự động, VNR sẽ lắp đặt toàn bộ hệ thống cần chắn tự động cho toàn bộ các đường ngang. Cụ thể, năm 2016 lắp đặt 300 đường ngang, năm 2017 thực hiện các đường ngang còn lại. Đây mới chỉ là kế hoạch trên giấy của VNR, thời gian sẽ trả lời xem liệu những vụ tai nạn nghiêm trọng như sáng 24-10 có bị rơi vào im lặng…

Theo: Báo An Ninh Thủ Đô

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *