Những quảng cáo sai khiến các hãng méo mặt

(Baoxehoi) Đó là những quảng cáo sai sự thật mà các hãng xe và các thương hiệu lớn phải “xấu hổ” khi bị người tiêu dùng phát hiện ra sự thật 

1. Hãng Volkswagen (VW) và bê bối xe diesel

xe-vw

Ảnh: Reuters

Ngày 29.3 vừa qua, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã đệ đơn kiện chống lại hãng xe sang Volkswagen. Công ty này bị cho là đã lừa dối khách hàng trong chiến dịch quảng cáo “Clean Diesel” thúc đẩy bán hàng loại xe chạy bằng nhiên liệu sạch. Trước đó không lâu, VW đã bị phát hiện gian lận bài kiểm tra khí thải đối với động cơ diesel ở Mỹ trong 7 năm.

FTC cho rằng “VW lừa dối người tiêu dùng bằng cách bán hoặc cho thuê hơn 550.000 chiếc xe chạy bằng diesel dựa trên tuyên bố sai sự thật, rằng các phương tiện trên có lượng khí thải thấp, thân thiện với môi trường”. Vi phạm Đạo luật Không khí Sạch, khoản phạt mà VW có thể đóng lên đến 61 tỉ USD, theo trang Wired.

2. Sữa chua Activia có “thành phần vi khuẩn đặc biệt”

xe-vw-1

Ảnh: Reuters

Quảng cáo cho thương hiệu sữa chua Activia của hãng Dannon khiến công ty này vướng vào vụ kiện 45 triệu USD trong năm 2010, theo ABC News. Sản phẩm trên được tiếp thị với lời chào là đã được chứng minh “lâm sàng” và “khoa học” rằng tăng cường hệ miễn dịch và giúp điều chỉnh tiêu hóa.

Chiến dịch quảng cáo với sự tham gia của nữ diễn viên Jamie Lee Curtis cho biết Activia có thành phần vi khuẩn đặc biệt, được bán với giá đắt hơn 30% so với sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, thẩm phán thành phố Cleveland ở bang Ohio (Mỹ) cho hay những lời khẳng định này không hề được minh chứng.

Vụ kiện chống lại hãng Dannon bắt đầu năm 2008 khi người tiêu dùng Trish Wiener nộp đơn khiếu nại. Mức phạt của Dannon là 45 triệu USD và hãng này bị buộc phải loại bỏ dòng chữ “được chứng minh lâm sàng và khoa học” khỏi nhãn sản phẩm, theo ABC News. Cụm từ tương tự như “nghiên cứu lâm sàng cho thấy” lại được chấp nhận.

3. “Red Bull cho bạn đôi cánh”

xe-vw-2

Ảnh: Business Insider

Hãng sản xuất đồ uống năng lượng Red Bull bị kiện vào năm 2014 với khẩu hiệu “Red Bull cho bạn đôi cánh”. Công ty giải quyết vụ việc bằng cách đồng ý trả tối đa 13 triệu USD, bao gồm 10 USD cho mỗi người tiêu dùng Mỹ, những người đã mua thức uống này kể từ năm 2002.

Khẩu hiệu trên được Red Bull sử dụng trong gần hai thập kỷ, đi cùng với các tuyên bố tiếp thị cho biết thức uống có chứa caffein có thể cải thiện tốc độ và phản ứng của người dùng. Ông Beganin Caraethers là một trong vài người tiêu dùng kiện công ty đồ uống Áo. Caraethers cho hay mình thường xuyên uống Red Bull trong 10 năm, nhưng ông không mọc thêm “cánh” hay có dấu hiệu cải thiện khả năng trí tuệ hoặc thể chất nào.

Giữa tâm bão, Red Bull cho biết hãng giải quyết đơn vụ việc để tránh phát sinh thêm chi phí và bị mất tập trung. Dù vậy, Red Bull vẫn cho rằng chiến lược marketing và nhãn mác của mình là trung thực, chính xác, phủ định tất cả hành vi sai trái và trách nhiệm pháp lý.

4. Tesco và bê bối thịt ngựa

xe-vw-3

Ảnh: Reuters

Năm 2013, chuỗi siêu thị Anh Tesco bị chỉ trích vì cho chạy chiến dịch quảng cáo “gây hiểu nhầm” giữa vụ bê bối thịt ngựa của họ. Hệ thống siêu thị này trước đó bị phát hiện bán thịt bò trộn thịt ngựa trong một số loại burger và bữa ăn sẵn.

Trong nỗ lực đứng dậy từ thảm họa PR, Tesco cho tiêu đề “Những gì burger đã dạy chúng tôi” chạy trên hai trang báo lớn quốc gia. Hãng bị chỉ trích vì bài viết ngụ ý rằng toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất thịt cũng bị dính vào vụ bê bối thịt ngựa, và đây không phải là sự thật. Giá trị Tesco đã “bốc hơi” gần 300 triệu bảng Anh, tương đương 432 triệu USD, sau scandal trên.

5. Hãng Kellogg bán ngũ cốc giúp trẻ em thông minh hơn

xe-vw-5

Ảnh: Reuters

Năm 2013, Kellogg đồng ý trả 4 triệu USD vì quảng cáo sai sự thật về sản phẩm Frosted Mini-Wheats. Hãng ngũ cốc đã tuyên bố sai về sản phẩm lúa mì Mini-Wheats có thể cải thiện “sự tập trung, trí nhớ và các chức năng nhận thức khác của trẻ em”, theo hãng tin AP. Chiến dịch quảng cáo của họ cho biết bữa sáng ngũ cốc có thể giúp trẻ tăng độ tập trung đến gần 20%.

Những người tiêu thụ sản phẩm ngũ cốc của Kellogg trong thời gian chạy quảng cáo trên (từ ngày 28.1.2009 đến ngày 1.10.2009) được phép đòi lại 5 USD cho mỗi hộp ngũ cốc, và mỗi khách hàng không nhận lại quá 15 USD.

PHƯƠNG LINH (dịch)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *