(Baoxehoi) Ô tô là một phương tiện và tài sản lớn của bạn, bảo dưỡng là việc làm cần thiết và phải thật sự cẩn thận khi mang xe vào gara, bạn tránh sai lầm những điều dưới đây
10. Sử dụng bóng đèn không đúng cách
So với hầu hết các khoản bảo trì xe, thay bóng đèn là việc tương đối dễ dàng mà không hề tốn kém. Vì vậy, hãy chủ động thay bóng đèn khi có thể. Người dùng phải nhanh chóng phát hiện đèn pha bị cháy khi không thấy đèn sáng hay nhận biết dấu hiệu đèn cảnh bảo bị hỏng từ tín hiệu xin nhan trên bảng điều khiển. Rất khó để phát hiện hỏng hóc ở đèn chiếu sáng ban ngày, đèn phía sau và đèn phanh. Do đó, lái xe phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện sự cố.
Và khi đèn cháy, hãy tháo ra và tiến hành thay thế bằng đèn mới. Công việc này dễ như trở bàn tay nhưng thật khó hiểu khi một số người coi việc thay bóng đèn lại nguy hiểm và khó nhọc trong khi họ có thể bị tông xe nếu di chuyển vào ban đêm mà không có đèn chiếu sáng.
9. Sử dụng xe khác để tích điện khi hết ắc-quy
Có bộ dây nối ắc-quy trong tay không có nghĩa là bạn biết cách tiếp điện nhờ bình ắc-quy của xe khác để khởi động. Nếu sử dụng dây ắc-quy không đúng cách xe có thể bị phát nổ. Mặc dù quy trình tiếp điện nhờ rất đơn giản, người lái cũng nên tìm hiểu kỹ trước khi thực hành. Đừng chờ đến lúc bình ắc-quy của xe hết điện giữa đường cao tốc mới học cách tiếp điện nhờ.
Nếu bình ắc-quy bị hết điện, hãy làm theo hướng dẫn khởi động ắc-quy khi hết điện: cần đưa xe ra khỏi khu vực nhiều phương tiện giao thông, tuyệt đối không được hút thuốc, nếu có thể hãy đeo kính bảo vệ mắt và đảm bảo rằng hai xe đậu không quá gần nhau, đồng thời cẩn thận nối chính xác các dây ắc-quy với nhau. Nếu không đánh được lửa, hãy chờ ít phút rồi thử lại. Phải chắc chắn rằng nút khởi động xe luôn ở trong trạng thái tắt trước khi bắt đầu nối hai dây ắc-quy.
8. Bất cẩn khi sửa hệ thống dây điện
Bạn sẽ không thể giải quyết vấn đề với đường dây điện trong nhà mà không xem lại sai sót nằm ở chỗ nào. Đối với xe hơi cũng vậy, nếu không kiểm tra kỹ, nhiều tình huống xấu có thể sẽ xảy ra.
Các chuyên gia chăm sóc và bảo dưỡng xe ô tô cho rằng hệ thống điện trên xe không đủ mạnh để làm ai đó bị thương; tuy vậy, “cẩn tắc vô áy náy”. Thực tế, nhiều trường hợp bất ngờ có thể xảy ra như chiếc xe bị bắt lửa hay hệ thống dây điện bị quá tải. Vì vậy, phải lường trước mọi tình huống xấu, hãy đảm bảo xe hoàn toàn không hoạt động khi các thao tác sửa chữa đang được tiến hành. Đối với loại xe với điện áp cao như xe hybrid, đừng cố tác động vào pin xe. Vì loại xe hybrid sử dụng pin với hiệu điện thế cao, pin xe có thể gây giật điện nghiêm trọng hơn bất kì loại xe nào.
7. Sử dụng lốp xe quá mòn
Chạy thêm vài trăm km với chiếc lốp cũ có vẻ là một phương án khá tiết kiệm nhưng lại không hề khôn ngoan. Xe hơi luôn cần những điều kiện thích hợp để hoạt động hiệu quả trong mọi tình huống. Cũng như việc bạn không thể đi chân trần trên mặt đường bỏng rát hay cũng không thể chạy bộ trên đôi giày cao gót 10 phân. Đôi chân cần loại giày thích hợp để giúp con người di chuyển, xe hơi cũng cần có lốp phù hợp để nâng đỡ và giúp cả khối sắt bên trên hoạt động an toàn.
Nếu không nhớ nổi lần cuối cùng thay lốp là khi nào hay đang sở hữu một chiếc xe ô tô cũ thì đã đến lúc sắm sửa cho “xế cưng” bộ lốp mới. Ngay cả khi bề ngoài của lốp trông còn khá mới, chất liệu cao su cũng bị mòn theo thời gian. Những viết nứt rất nhỏ không dễ phát hiện cũng có thể làm mất đi cấu trúc cứng cáp của lốp, vì vậy mà lốp xe không thể hoạt động hiệu quả. Nếu lốp quá cũ, cao su ở đường vân lốp có thể bị nứt ra khiến nổ lốp xe.
6. Bôi trơn cẩu thả trong quá trình sửa chữa phanh
Việc bảo trì phanh không phải quá khó khăn nhưng nhiều người lại chọn cách mang xe ra tiệm để tiến hành sửa chữa. Không kiểm tra hệ thống phanh cẩn thận có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Hệ thống phanh làm việc dựa vào lực ma sát; khi nhấn phanh, áp suất thủy lực trong hệ thống làm phanh xe áp vào má phanh gây ra lực ma sát khiến xe di chuyển chậm lại.
Lực ma sát ở đây rất lớn và hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống truyền động. Hệ thống truyền động này cần được bôi trơn thường xuyên, vì vậy, khi táo rời các bộ phận của hệ thống phanh xe, hãy bôi dầu chuyên dụng cho phanh trước khi lắp đặt lại để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả. Đối với các trục xe, hãy sử dụng dầu bôi trơn ổ trục quay. Việc bôi trơn dầu cực kỳ quan trọng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác đến từng chi tiết vì nếu trục xe bị rỉ hay dầu bôi trơn dính vào mặt ma sát của má phanh, toàn bộ hệ thống phanh xe sẽ ngừng hoạt động.
5. Siết đai ốc bánh xe không chặt
Có rất nhiều thông tin trên internet hướng dẫn cách siết đai ốc bánh xe đúng số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, không phải hướng dẫn nào cũng hoàn toàn chính xác. Nếu có dự định thay lốp xe mới hoặc đơn giản là đổi vị trí 4 bánh xe mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn bạn cần phải biết một số thao tác cơ bản bao gồm việc lấy các thông số kỹ thuật của xe, chọn ốc và cờ-lê sao cho phù hợp
Nhưng rất nhiều người không thể làm đúng quy trình khiến việc thay lốp xe trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Siết đai ốc không đúng mức thường dẫn tới một tình huống nguy hiểm. Nếu các con ốc bị siết quá chặt, thắng phanh sẽ bị vênh, khiến bàn đạp phanh bị rung lắc dẫn đến việc phanh không ăn. Nếu siết ốc không chặt, bánh xe lỏng lẻo có thể văng ra khi xe đang chạy.
4. Không thay thế dầu nhớt cho xe ô tô
Dầu nhớt đóng vai trò quan trọng không kém gì nhiên liệu trong quá trình vận hành của xe hơi. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy tác hại của việc thay dầu nhớt không đúng định kỳ. Các bộ phận của xe không được bôi trơn dẫn đến phát sinh nhiều ma sát hơn khi hoạt động. Điều này có nghĩa là xe sẽ tiêu thụ nhiều xăng hơn và thải ra nhiều khí thải hơn, tuổi thọ của động cơ cũng bị rút ngắn đáng kể.
Xe hơi luôn cần dầu nhớt để bôi trơn các động cơ và đảm bảo cho hoạt động của hệ thống truyền động. Sử dụng dầu nhớt đúng cách sẽ giúp xe duy trì áp suất thích hợp trong hệ thống phanh đồng thời giúp động cơ xe sản sinh ra nhiệt lượng thích hợp.
3. Không kiểm tra thiết bị lọc dầu
Có thể bạn đã nghe nhiều lời khuyên, kinh nghiệm về ô tô tương tự, nhưng vẫn phải nhắc lại rằng: Nếu lượng dầu của động cơ ô tô không đủ để vận hành thì chắc chắn ngày bạn phải gọi xe kéo cứu hộ giao thông sẽ không xa.
Theo Mike Allen của tạp chí ô tô Popular Mechanic, điều quan trọng nữa là có trong tay chiếc cờ-lê có kích cỡ phù hợp để đóng mở bộ lọc dầu của xe. Nếu cờ lê quá to so với kích cỡ của bộ lọc dầu thì có vặn cũng không thể tác động đến nắp lọc. Thêm nữa, trong trường hợp đổi sang dùng loại lọc khác, kích thước của cờ lê cũ có lẽ sẽ không còn phù hợp. Vì thế, hãy kiểm tra sự tương thích trước khi thay đổi một bộ phận nào đó trên xe.
Quay lại vấn đề về bộ lọc dầu, người dùng có thể khóa nắp lọc bằng tay. Tuy nhiên,khi cảm thấy đã đóng chắc bằng tay rồi cũng đừng quên dùng cờ-lê xoay thêm nửa vòng nữa. Điều này sẽ góp phần đảm bảo an toàn khi lái xe vì khi nắp bộ lọc lỏng dầu dễ bị tràn ra các bộ phận khác khiến động cơ bị kẹt hoặc thậm chí sẽ làm mui xe cháy.
2. Phớt lờ đèn cảnh báo
Phải nói đèn cảnh báo giống như một bà mẹ chuyên cằn nhằn, dù biết bạn sắp đổ xăng nhưng đèn báo hết xăng vẫn không ngừng sáng. Và sự thực đáng buồn là những cảnh báo này đôi khi khiến người sử dụng cảm thấy phiền và muốn lờ đi. Tất nhiên, điều này không ảnh hưởng gì, hoặc ít nhất, bạn cũng nắm được tình hình của xe và tự hứa sẽ sửa chữa vào một ngày gần nhất. Thực ra phản ứng này rất bình thường, có lẽ nhà sản xuất còn mừng phát khóc khi ít nhất bạn đã để ý đến những cảnh báo này. Nhưng khi xế yêu đang cố gắng để trao đổi điều gì đó, hãy để tâm lắng nghe một chút, dù đôi khi bạn thấy “siêu phiền”. Đèn cảnh báo sinh ra chính là để thực hiện nhiệm vụ này.
Hãy chắc rằng bạn thuộc lòng hết ý nghĩa của các ký hiệu đèn cảnh báo và nếu có ký hiệu nào xa lạ, hãy kiểm tra lại ý nghĩa của nó trong sách hướng dẫn sử dụng. Nếu bắt gặp các cảnh báo đơn giản và bạn có thể tự khắc phục (ví dụ như lốp xe non chẳng hạn), hãy tự mình sửa chữa. Còn nếu là những cảnh báo phức tạp hơn, tốt nhất hãy gọi cho trung tâm sửa chữa. Làm lơ với những cảnh báo từ xế cưng có thể sẽ giúp bạn tiết kiệm được trong ngắn hạn, nhưng có thể bạn sẽ phải trả giá đắt.
1. Coi thường việc triệu hồi xe ô tô
Việc thu hồi xe ô tô để kiểm tra an toàn thường xảy ra khi nhà sản xuất phát hiện lỗi. Việc thu hồi này chủ yếu để đảm bảo độ an toàn của các dòng xe tránh khỏi các vấn đề như nổ lốp hoặc chân ga tự tăng tốc. Những vấn đề khác thuộc mặt ngoài xe như lốp xe bị bong tróc tuy ảnh hưởng đến thẩm mỹ nhưng sẽ không dẫn đến những tai nạn nguy hiểm khi lái xe.
Phần lớn các xe sẽ được “tân trang” lại sau mỗi cuộc thu hồi. Nhà sản xuất hoặc đại lý phân phối xe hơi của bạn sẽ liên lạc với bạn qua thư điện tử. Tuy nhiên, bạn nên chủ động liên hệ với họ, đặc biệt là khi bạn sở hữu một chiếc xe ô tô cũ, vì các đại lý có thể thông qua số đăng ký để kiểm tra xem đã có đợt thu hồi nào đối với dòng xe có cùng năm sản xuất với xế của bạn chưa.
Thêm nữa, nếu bạn đã từng phải trả phí cho đại lý để sửa chữa một vấn đề an toàn không thuộc phạm vi lỗi của các đợt thu hồi trước, hãy giữ lại hóa đơn. Có thể sau này nhà sản xuất hoặc các đại lý sẽ thu hồi xe vì những lỗi liên quan đến vấn đề đó và bạn hoàn toàn có đủ điều kiện để được hoàn lại tiền. Hẳn bạn không muốn đánh mất một cơ hội khiến nhà sản xuất và đại lý phân phối chi trả cho xế cưng của mình chứ?
THẾ THÀNH