Triệu phú đẹp trai ở Thái Lan kiếm trăm tỷ nhờ rong biển

 Anh chàng Itthipat “Tob” Peeradechapan, 31 tuổi sau này đã trở thành một doanh nhân thành công khi xây dựng nên thương hiệu rong biển ăn liền Tao Kae Noi thành một đế chế khổng lồ tại Thái Lan.

Từng là một người “nghiền” game, Itthipat “Tob” Peeradechapan, 31 tuổi sau này đã trở thành một doanh nhân thành công khi xây dựng nên thương hiệu rong biển ăn liền Tao Kae Noi thành một đế chế khổng lồ.

Rong biển của Tao Kae Noi có rất nhiều hương vị khác nhau từ dừa cho tới mực và tôm. Nhìn chung Tao Kae Noi có vị giống với snack khoai tây phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á.

Hiện tại Ittipat đang muốn đưa thương hiệu Tao Kae Noi ra toàn cầu, xây dựng nhà máy để tăng cường xuất khẩu. Tháng trước, công ty cũng đã huy động được 1,4 tỷ baht (tương đương 39,1 triệu USD) sau khi IPO thành công trên sàn giao dịch chứng khoán BangKok.

Kế hoạch mở rộng thị trường của Ittipat dựa trên thực tế tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thức ăn nhẹ đang phát triển chóng mặt tại châu Á. Cụ thể, theo nghiên cứu của Nielsen doanh thu bán đồ ăn nhẹ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương (gồm 60 quốc gia) đạt tổng cộng 46 tỷ USD trong năm tài chính kế thúc vào tháng 3/2014.

Dù con số tương tự tại châu Âu là hơn 167 tỷ USD và Bắc Mỹ là 124 tỷ USD nhưng tốc độ phát triển ở khu vực châu Á Thái Bình Dương lại đạt 4% – cao hơn cả 2 khu vực kể trên. Khu vực châu Âu gần như không tăng trưởng còn Bắc Mỹ đạt 2%.

Nielsen cũng lưu ý thêm rằng dù tốc độ tăng trưởng ngành thức ăn nhẹ tại châu Á chậm hơn mức 9% của châu Mỹ Latin và 5% của châu Phi nhưng lượng tiêu thụ trên đầu người ở khu vực này và sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tạo ra tiềm năng phát triển cực lớn đối với lĩnh vực này.

san-pham-rong-bien

Đặc biệt, rong biển ăn liền đang có vị thế rất tốt trên thị trường. Đối với người tiêu dùng tại châu Á, 57% loại thức ăn nhẹ là rau, cao hơn mức 52% trung bình toàn thế giới, chỉ sau socola và những loại hoa quả tươi tại.

Hiện tại Taokaenoi đã xuất khẩu tới gần 40 quốc gia tại châu Á, châu Âu và Mỹ.

“Lượng tiêu thụ rong biển ở phương Tây cũng đang tăng” là nhận định của Simone Baroke – một chuyên gia phân tích từ công ty Euromonitor International. Bà trích dẫn rằng nhu cầu với các loại thực phẩm giàu protein, hạn chế tiêu thụ thịt và chuyển sang những loại thức ăn bên vững và giàu dinh dưỡng đang ngày trở nên cấp thiết. Và “rong biển là một giải pháp tuyệt vời”.

Chaniphun Butryee – một nhà nghiên cứu tại Viện dinh dưỡng Mahidol University Thái Lan nói rằng rong biển giàu protein, iodine, ít béo và là lựa chọn tốt cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, thành công của Ittipat một phần đạt được nhờ chiến lược marketing của công ty. Ngoài những hình ảnh ngộ nghĩnh trên bao bì sản phẩm của Tao Kae Noi, câu chuyện gây dựng sự nghiệp thành công của anh thậm chí đã truyền cảm hứng để xây dựng một bộ phim vào năm 2011 mang tên “The Billionaire”.

Là người gốc Trung Quốc, ban đầu gia đình Ittipat đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhưng do khủng hoảng tài chính những năm 1990 họ đã gặp khó khăn và gánh trên vai khoản nợ lên tới 40 triệu baht (hơn 1,1 triệu USD).

Vì “nghiền” game, Ittipat đã bắt đầu kiếm tiền ngay khi còn trẻ bằng việc test game cho các công ty phần mềm. Sau khi mạo hiểm với việc bán DVD không thành công, anh bắt đầu mở cửa hàng bán hạt dẻ nướng và sau này tạo nên thương hiệu Tao Kae Noi.

Với hạt dẻ, Itthipat đã kiếm được hàng triệu baht đầu tiên khi mới 20 tuổi. Ngay sau đó, anh chuyển sang rong biển ăn liền và thậm chí thành công hơn và trả được hết nợ của gia đình vào năm 2007.

Ittipat nói rằng anh nảy ra ý tưởng kinh doanh rong biển khi nhìn một người bạn ăn snack. Từ đó, anh đã tạo ra công thức sản xuất của riêng mình với những hương vị đặc biệt như Tom Yum, dừa, kim chi…

“Khi bắt đầu thêm rong biển vào danh mục sản phẩm tôi nhận ra rằng có một thị trường đặc biệt lớn dành cho nó. Ngoài ra nó phù hợp cho mọi mọi người, từ già tới trẻ, từ phụ nữ tới nam giới”.

Riêng trong năm 2014, Tao Kae Noi đã xuất hiện trên kệ hàng của 3.000 cửa hàng 7-Eleven tại Thái Lan. Nhu cầu cho sản phẩm này tiếp tục tăng cao, thúc đẩy Itthipat bán mảng kinh doanh hạt dẻ để phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất rong biển.

Công ty trích dẫn dữ liệu của Nielsen cho thấy họ đang nắm giữ 62% trong tổng thị trường rong biển khô đóng gói trị giá 2,3 tỷ baht của Thái Lan trong năm 2014. Trong suốt 9 tháng đầu năm nay, Taokaenoi nói rằng lợi nhuận của họ đã đạt gấp đôi.

Thị trường nước ngoài đóng góp ít hơn 50% tổng doanh thu của công ty trong 9 tháng đầu năm nay. Trong đó, Trung Quốc hứa hẹn là thị trường nước ngoài lớn nhất, đóng góp 22% tổng doanh thu trong giai đoạn này, tăng so với mức 5,4% trong năm trước.

Công ty cũng định hướng tấn công vào thị trường Nhật Bản và sẽ liên kết với chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart trong tháng này.

Cuối cùng, Ittipat cho biết anh cũng nhắm tới những khu vực xa hơn ngoài châu Á. “Không chắc nhưng rất có thể trong tương lai những khách hàng tại châu Âu sẽ sử dụng sản phẩm của chúng tôi và xem rong biển khô như là snack khoai tây vậy”.

Theo: Thái Tuấn (Tạp chí Công nghệ và đời sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *