Toyota chuẩn bị mua tất cả thương hiệu Daihatsu giá 3,2 tỷ đô

(Baoxehoi) Hãng xe Toyota đang lên kế hoạch mua lại toàn bộ thương hiệu sản xuất xe nhỏ Daihatsu. Nhằm mở rộng ảnh hưởng tối đa của mình trong phân khúc này. 

Giá 3,2 tỷ đô liệu có đem lại lợi nhuận cho Toyota ?

Một khi nắm toàn quyền kiểm soát Daihatsu, Toyota có thể gia tăng ảnh hưởng của mình đối với hãng này cũng như giảm chi phí đặt hàng các trang thiết bị từ Daihatsu. Trong khi đó, việc củng cố mối quan hệ đối tác với Suzuki giúp Toyota dễ dàng thâm nhập vào thị trường Ấn Độ – nơi Suzuki kiểm soát tới một nửa thị trường xe chở khách.

Đại diện của Toyota cho biết: “Chúng tôi đang cân nhắc nhiều phương án liên quan tới Daihatsu như thiết lập quan hệ đối tác hay tái cấu trúc kinh doanh bao gồm biến Daihatsu thành một chi nhánh của hãng”. Hiện Toyota chưa đưa ra quyết định chính thức.

Các trang tin tức xe hơi cho biết Toyota đang nắm 51,2% cổ phần tại Daihatsu. Tương tự như Suzuki, Daihatsu tập trung sản xuất phương tiện cỡ nhỏ 660cc – một phân khúc chuyên biệt tại thị trường Nhật Bản. Tờ nhật báo Nikkei cho biết Toyota và Suzuki đã thương lượng để thắt chặt mối quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực bao gồm nắm cổ phần chéo khi hai bên hợp tác phát triển xe compact tại Ấn Độ và các thị trường mới nổi khác.

Rủi ro và lợi ích

Một số nhà phân tích thị trường tin rằng việc Toyota tăng cường ảnh hưởng tại Daihatsu sẽ tác động tới mối quan hệ hợp tác tiềm năng với Suzuki. Nguyên nhân là do Suzuki và Daihatsu là hai đối thủ trực tiếp trong phân khúc xe cỡ nhỏ. Ông Christopher Richter, nhà nghiên cứu thị trường tại tổ chức tư vấn và đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương CLSA, cho rằng: “Toyota sẽ kiểm soát Daihatsu với tư cách một thương hiệu giá rẻ hỗ trợ thương hiệu chủ chốt giống với cách Volkswagen điều hành Skoda, Renault với Dacia hay Nissan với Datsun. Đây có thể là một công cụ hiệu quả để chống lại Suzuki tại các thị trường như Ấn Độ. Do đó, việc Toyota mua lại toàn bộ Daihatsu nhiều khả năng sẽ là một mối đe dọa với Suzuki”.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng mối quan hệ đối tác tiềm năng giữa Toyota và Suzuki có thể mang lại lợi ích song phương. Theo đó, Suzuki – thông qua Maruti Suzuki – đang nắm trong tay mạng lưới phân phối lớn ở Ấn Độ và có thể hỗ trợ rất nhiều cho Toyota tại thị trường ô tô này. Các chuyên gia phân tích thị trường tại JPMorgan cho rằng: “Đổi lại, Suzuki có khả năng trở thành cổ đông vững chắc tại Toyota, đồng thời tiếp cận với các công nghệ sản xuất xe xanh, xe chạy pin nhiên liệu của Toyota. Qua đó, hãng này mong muốn đẩy nhanh quá trình điện hóa các sản phẩm của mình”.

Suzuki có lẽ sẽ hết sức cẩn trọng trong mối quan hệ đối tác mới này, bởi trước đây, thỏa thuận hợp tác hãng từng thiết lập với Volkswagen vào đầu năm 2010 đã kết thúc sau nhiều năm tranh chấp tại tòa. Được biết, sự kiện ô tô này đã giúp cổ phiếu của Daihatsu tại Tokyo đột ngột tăng 16% vào ngày 27/1. Mặc dù cả Toyota và Suzuki đều phủ nhận về mối quan hệ đối tác sắp tới nhưng cổ phiếu của Suzuki cũng tăng 11%. Riêng cổ phiếu của Toyota tăng 3,8%.

Mắt xích yếu nhất

Trong năm 2015, Daihatsu là mắt xích yếu nhất trong tập đoàn Toyota mà bao gồm Toyota, các thương hiệu của Lexus và hãng sản xuất xe tải Hino. Theo đó, doanh số toàn cầu của Daihatsu giảm 13,3% trong năm qua. Con số này khiến tổng doanh số của Toyota giảm 0,8% xuống còn 10,15 triệu xe. Mặc dù vậy, Toyota vẫn tiếp tục giữ ngôi vị hãng sản xuất xe lớn nhất thế giới khi vượt qua doanh số 9,93 triệu xe của Volkswagen.

Daihatsu là hãng sở hữu doanh số xe cỡ nhỏ cao nhất tại Nhật Bản trong suốt 9 năm tài chính qua. Ngoài ra, hãng này nắm giữ gần 31% thị phần xe cỡ nhỏ tại Nhật trong nửa đầu quý 1. Daihatsu cũng có vị trí quan trọng tại nhiều thị trường ở Đông Nam Á. Hãng này đã chính thức trở thành thương hiệu xe con của Toyota vào năm 2011 và sản xuất xe cho công ty mẹ đặt tại Indonesia. Daihatsu cũng là hãng xe đắt khách nhất tại Malaysia trong 9 năm liền cho đến năm 2014.

Được biết, tiền thân của Daihatsu là một thương hiệu được sáng lập bởi hai học viện và một nhóm những nhà kinh doanh vào tháng 3 năm 1907. Trụ sở ban đầu được đặt tại tỉnh Osaka, Nhật Bản và là nơi sản xuất động cơ đốt trong. Mãi đến tháng 12 năm 1951, hãng này mới đổi tên chính thức thành Daihatsu như ngày nay.

THẾ THÀNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *