(Baoxehoi) Nếu bạn là người yêu xe mô tô hay đang sở hữu 1 chiếc xe mô tô phân khối lớn thì bạn cũng nên biết dòng xe mình muốn mua hay đang sở hữu là dòng xe gì và có những đặc tính nào đặc trưng nhất của dòng xe bạn đang đi, cùng xem bài viết dưới đây:
1, Xe Sportbike
Loại xe thể thao, cấu tạo phục vụ mục đích chạy nhanh, thậm chí cực nhanh. Cấu tạo khí động học. Người ngồi có dáng chúi, mông chổng lên trời, mồm gặm bình xăng. Nếu đèo thêm bạn gái thì cực đẹp, yêu cầu bạn gái phải hơi teen.
Nếu bạn đam mê loại xe này thì bạn hãy sắm sửa 1 bộ xương sống lưng thật tốt, chuẩn bị với cảnh mỏi tay mỏi chân khi di chuyển trên đường đông. Tuy nhiên để chạy nhanh trên đường vắng thì loại này là loại xịn nhất.
Dòng Sport-bike này rất dễ nhận biết với những đặc điểm như cụm tay lái được hạ thấp, kính chắn gió cao, người ngồi có dáng chồm hẳn lên phía trước, trọng tâm ngồi cao, xe nhiều vỏ nhựa để tối ưu hóa lực cản gió…
Khi di chuyển với tốc độ trung bình trong phố, dòng xe này dễ gây mỏi cho người lái. Cơ mà khi ra đường trường, chất lượng đường tốt thì loại này được cho là “hịn” nhất bởi gia tốc lớn, đạt được tốc độ cao… sẽ mang đến cho người lái những trải nghiệm phấn khích vô cùng. Nhưng nếu cung đường quá xa, đường xấu… thì dòng này cũng sẽ là ác mộng với cái lưng mỏi, cổ tay tê dần…
Những mẫu Sport-bike cho phép người lái có thể chạy ở dải vòng tua lớn (thường là trên 10.000 vòng/ phút) nhằm mục đích duy trì/ phản ứng với tốc độ cao. Đảm bảo cho chiếc xe sẵn sàng “dựng ngược” lên bất cứ lúc nào.
Cũng phải thêm một chú ý nữa cho các bác là dòng xe này chỉ dành cho người lái. Vị trí ngồi sau là nơi nguy hiểm bởi thiết diện yên sau rất bé, vị trí ngồi cao, người ngồi sau chỉ tỳ tay được vào bình xăng, khó thể ôm người lái được (nếu không muốn khi phanh làm ông lái dập cờ-him).
Đa số các thương hiệu PKL đều có đại diện dòng sport-bike cho mình và coi đó là chuẩn mực, niềm tự hào của hãng.
2, Xe Nakedbike
Naked có nghĩa là trần truồng, trần như nhộng. Gắn thêm “-bike” vào sau nhằm ám chỉ đến loại xe được lược bỏ bớt phần vỏ (quần áo) bên ngoài, khoe ra khối động cơ mạnh mẽ và gần như là toàn bộ. Đa số dòng này chỉ còn vỏ nhựa (hoặc sắt) ở bình xăng, dè trước, sau… Cũng dễ hiểu vì tính khí động học không phải là yếu tố tiên quyết mà nhà sản xuất hướng tới.
Là dòng xe được thiết kế với mục đích giúp người lái di chuyển dễ dàng, linh hoạt hơn trong điều kiện đô thị hoặc giữa các thành phố. Đa số dòng Naked-bike của các hãng đều được “thửa” nguyên khối động cơ của dòng Sport-bike với một vài giới hạn nhất định (mã lực, mô-men xoắn…). Người lái vừa có thể di chuyển cà phê cà pháo trong phố, vừa có thể trải nghiệm tốc độ cao ngoài đường trường. Tuy nhiên, khi chạy với tốc độ cao (ngoài 100km/h), người lái sẽ có cảm giác mau chóng mệt hơn (do bị “ăn gió” nhiều hơn Sport-bike).
Điều dễ nhận biết ở dòng xe này là cụm tay lái được đưa lên cao hơn so với sport-bike, dáng ngồi lưng thẳng hơn.
Khác với Sportbike, vòng tua máy của Naked-bike thường bị giới hạn ở mức dưới 10.000 vòng/ phút, có xe thậm chí thấp hơn nhiều (như ông Ducati chẳng hạn). Do đó, người lái dễ chạm “redline” hơn và có những cú bứt tốc (đề-pa) uy lực hơn. Về vấn đề này hơi quá chuyên sâu nên em mạn phép đi loanh quanh ở ngoài. MotoSaigon.vn
Xe Motard
Dòng này có 2 loại:
Loại Offroad
Thiết kế riêng cho mục đích offroad tức không chạy đường nhựa láng thông thường. Dòng xe này chuyên dùng cho địa hình hiểm trở như leo núi, vượt đèo, lội sông, băng suối, tắm bùn, v.v…
Loại City
Đây là dòng xe thực dụng nhất theo như em nhìn nhận. Nó phái triển từ dòng cào cào chuyên nghiệp nhưng thiết kế có thêm các đèn cần thiết như đèn pha, xinhan và có thêm bát gắn biển số. Bề ngoài xe được chau chuốt cho bắt mắt. Sử dụng vỏ xe loại trơn thích hợp với đường nhựa, tuy nhiên khả năng địa hình vẫn được giữ lại đáng kể nhờ hành trình giảm xóc rất dài. Vận hành rất êm ái trên đường xóc.
Tuy nhiên nhiều người vẫn thích sử dụng cho mục đích dân dụng hàng ngày vì yếu tố cơ động và mạnh mẽ của nó.
Đặc điểm dòng xe này là có động cơ rất mạnh (mạnh hơn so với dòng xe khác cùng dung tích xylanh). Vận tốc tối đa không phải là tiêu chí nên không cao bằng các dòng khác. Tuy nhiên gia tốc và lực máy lại được chú trọng. Xe sử dụng bánh gai to, trọng lượng vừa phải, khả năng leo trèo tốt, dáng ngồi hơi buồn cười vì phải khuỳnh tay khuỳnh chân và thường là đứng nhiều hơn ngồi.
Ngoài ra có các đặc điểm đặc trưng khác như dàn nhựa rất bền và dẻo. Té xe quăng lên quăng xuống vẫn bình thường. Xe không có các đèn cơ bản như đèn pha, đèn xi nhan và không có cả biển số (vì chạy trong rừng thì chẳng ma nào đi theo mà bắt biển số).
Như em thấy người mới chơi PKL thường không để ý tới dòng xe này vì tính chất chuyên nghiệp không thực dụng và bề ngoài không đủ sức cho các bác này móc túi ngay.
3, Xe Scrambler
Là dòng xe lai tạp giữa Naked – Motard – Cruiser. Phuộc trước cao, dài bánh trước to, bành sau nhỏ trọng tâm sau cao, dáng ngồi thẳng ghi đông cao.
Dòng này thường chạy kiểng nên sức mạnh tương đối thấp, không cao như các thể loại khác, chỉ nhỉnh hơn dòng Underbone chút đĩnh.
Thông thường các nhà sản xuất rất ít chăm chút vào dòng này nhiều, vì thực tế doanh thu của dòng này rất thấp.
4, Xe Touring
Đúng như tên gọi của nó, đây là dòng xe hữu hiệu nhất nếu các bác muốn di chuyển những cung đường dài với đầy đủ những trang thiết bị tối ưu được tích hợp (nhiều options được nhặt ra từ xe hơi).
Là dòng xe to, to đùng ngã ngửa với cân nặng có lẽ thuộc dạng nhất trong dòng xe 2 bánh. Chiếc xe có kích thước đồ sộ, thường được trang bị thêm thùng, cốp chứa đồ. Đa số đều được hãng tích hợp cho những công nghệ tiện nghi nhất của dòng mô-tô như : sưởi ghế, dàn loa (6.1; 8.1…), kính chắn gió lớn, hộp lạnh, GPS dẫn đường, đo áp suất lốp, sưởi tay nắm, hệ thống đèn pha, gương chiếu hậu cực to và sáng và nhất là có vị trí lại cực kỳ thỏa mái.
“Ghế” – em phải dùng từ ghế chứ không phải là chỗ ngồi nữa. Vì vị trí ngồi của dòng này đa số rất thỏa mái cho người lái cũng như người ngồi sau. Ghế được bọc da, chống thấm nước rất tỉ mỉ, lót mút ở dưới yên rất dày tạo cảm giác thỏa mái, không bị ê mông mỗi khi di chuyển trên quãng đường xa.
Tay lái của dòng touring được đưa lên cao, đó chính là vị trí tay lái thỏa mái nhất mà các nhà phát triển dành cho người lái trên những cung đường dài. Vị trí để chân người lái cũng vừa tầm… Túm váy lại là ngồi rất sướng, đi xa cũng rất sướng, mỗi tội loay hoay trong phố thì hơi oải vì xe cồng kềnh.
Ở Việt Nam, dòng Touring khá được ưa chuộng, bằng chứng là có đến gần 20 em Honda Goldwing trong CLB Mô-tô Hà Nội và số lượng xe đời 2012 chiếm gần như là chủ yếu. Thêm vào đó, những đại diện cho xe Touring không thể thiếu dòng Ultra Classic nổi tiếng của Harley-Davidson hoặc những chiếc xế khủng đến từ hãng Victory.
Những chiếc xe dòng Touring thường được trang bị động cơ với dung tích xy-lanh lớn như 1800cc ở Honda Goldwing; 110 cubic (1802cc) như ở dòng Ultra Classic của Harley.
5, Xe Cruiser
Khi các bác bắt gặp một lão già (hoặc hơi già) đi một chiếc xe với đôi chân dạng háng, mặt vênh với đời, nẹt pô ầm ỹ ngoài phố với tiếng nổ đặc trưng của động cơ V-twin… thì chiếc xe mà lão ý đang cưỡi chính là một chiếc Cruiser-bike.
Cruiser-bike được thiết kế với trọng tâm ngồi thấp, người lái có xu hướng ngồi hơi lùi về phía sau. Đa số những mẫu xe này đều có gác chân được đưa lên phía trước, tạo tư thế ngồi thỏa mái cho người lái, tuy nhiên cũng có một số loại có dáng “ngồi xổm” như dòng super low (883) của Harley chẳng hạn.
Dòng xe Cruiser có thêm đặc điểm nữa là đa số sử dụng động cơ V-twin với dung tích xy-lanh lớn, tua máy thấp, vận hành thấp nhằm mang lại sự dễ dàng, thỏa mái trong khi điều khiển và một điểm quan trọng nữa là giúp người lái có thể duy trì được tốc độ ổn định. Khối động cơ V-twin cũng là cảm hứng “sáng tác” ra nhiều mẫu xe khác như Chopper, Bobber, Samurai…
Tay lái của dòng Cruiser được cho là thỏa mái, giúp người lái có thể di chuyển những quãng đường dài. Tất nhiên là ở dải tốc độ vừa phải, không quá nhanh. Dòng Cruiser thường có nước đề-pa rất tốt, nhưng max speed lại không phải là mục tiêu mà nhà sản xuất hướng đến.
Đa số những người sở hữu Cruiser-bike là những người lớn tuổi, thích dáng ngồi luôn ở vị trí thỏa mái nhất. Cruiser-bike cũng rất linh hoạt khi đi những đoạn đường nhiều cua vì bánh trước nhỏ, có khả năng dẫn lái tốt mặc dù trọng lượng của những mẫu Cruiser-bike thường là rất nặng (hơn nhiều so với Sport-bike cũng như Naked-bike thông thường). Trong khi bánh sau thường có thiết diện lớn, nhằm tăng độ bám đường cho chiếc xe…
Nhắc đến Cruiser-bike thường thì người ta sẽ nghĩ đến ngay những chiếc Harley-Davidson to bổ chảng, nổ uỳnh uỳnh như sấm… Tuy nhiên, gần như hãng xe nào cũng phát triển dòng Cruiser-bike cho riêng mình.
Dòng xe này thường có yên ngồi thấp nhất, cho nên bác nào khiêm tốn về chiều cao nên chọn lựa loại này.
Nếu những chiếc Sport-bike có thể làm các bác “phát điên” về tốc độ nhưng lại quá oải khi di chuyển đường xa, nhất là với điều kiện đường sá không được tốt của VN. Hoặc các bác lại ngán cái dáng “bố già” và cồng kềnh của dòng xe Touring thì dòng Sport-touring sẽ khiến các bác phải suy nghĩ thêm khi muốn chồng tiền sắm về một cô vợ “mông to”.
Dòng sport-touring không còn quá lạ lẫm ở Việt Nam. Dòng xe này được thiết kế ra với mục đích mang lại cho người lái cảm giác thỏa mái trên những cung đường dài mà vẫn được trải nghiệm chiếc xe ở dải tốc độ lớn. Tất nhiên, chiếc xe không to tướng và cồng kềnh như dòng Touring nhưng vẫn được sở hữu nhiều đặc điểm tiện ích mà dòng Touring mang lại.
Sport-touring mang lại cho người lái dáng ngồi thẳng lưng, hơi chồm lên phía trước với cụm tay lái được đưa lên cao. Dòng xe này cũng có kính chắn gió, đa số là điều chỉnh được cao, thấp tùy chọn do người lái. Dòng này có dung tích xy-lanh nhỉnh hơn dòng Sport-bike nhưng lại thấp hơn dòng Touring. Và cũng túm váy lại, thằng Sport và thằng Touring “ăn nằm” với nhau và cho ra đời thằng Sport-touring ở phân khúc giữa này.
Chạy Sport-touring cũng khá thích. Vẫn giữ được ưu thế tốc độ mà vị trí lái lại rất thỏa mái (góc lái lớn) tuy rằng người lái nhiều khả năng sẽ không trụ được lâu như Touring. Dòng xe này cũng được trang bị những options từ Touring như: kính chắn gió lớn (tùy chỉnh); sưởi tay nắm, loại xịn thì có sưởi ghế; loa kèn, thùng cốp chi chít… Và thường những dòng này được trang bị những công nghệ an toàn tối tân như : phanh ABS; hệ thống chống trơn trượt (traction control); các chế độ chạy tùy chọn trên những cung đường; truyền động trục các-đăng; hệ thống phân phối lực phanh điện tử (K-ACT ở Kawasaki Concours 14)…
6, Xe Naked Touring
Đa số em thấy nhiều người chê xấu. Được sinh ra chủ yếu ở thị trường Mỹ. Giữ nguyên gần như tất cả của mẫu Naked-bike thông thường, duy chỉ có phần đầu (Nhật gọi là Super Bol d’or) là được thiết kế lạ hơn nhằm tăng tính “touring” cho xe. Kéo theo đó sẽ là một số thay đổi của cụm đồng hồ xe, tay lái được đưa cao hơn nữa…
7, Xe ATV
Loại xe moto việt dã 4 bánh, biến thể của dòng Motard có gầm khá cao nhưng trọng tâm xe lại thấp, dòng xe này có gầm cao để vượt địa hình nhưng khả năng vận hành trên đường trường tương đối giống xe phổ thông. Các dòng xe này thường được thấy trong công viên Đại Nam. Máy móc và hệ vận động khác tương tự như dòng Motard.
8, Xe Trikebike
Là dòng xe 3 bánh thiết kế theo cấu trúc đi xa, nhiều chức năng và nhiều công dụng. Ban đầu xe được thiết kế dành riêng cho người tàn tật yêu thích tốc độ nhưng dần về sau người bình thường lại chuộng dòng này rất nhiều. Dòng xe có sức mạnh cao nhất, thậm chí cao hơn công suất tối đa của các cuộc thi Moto GP hoặc Isle Of Mans, thông thường các dòng cơ bắp hạng nặng này thường sử dụng ít nhất 6 piston và cao nhất có thể lên đến 12 piston (ngan cổ máy xe hơi thể thao).
Dòng ba bánh được chia ra 3 loại: Roadster: 2 bánh trước – 1 bánh sau, yên dài đủ chổ cho 2 người với nhiều chức năng tiện dụng. Sử dụng hệ truyền động như các dòng xe 2 bánh. Hảng xe sản xuất dòng này theo mình biết chỉ có Can – am, hảng xe đến từ Canada. Slingshot: cấu trúc tương tự xe 4 bánh nhưng chỉ có 3 bánh, bánh sau đặt giữa phía sau chỉ dùng để giữ thăng bằng, cấu trúc hoạt động tương tự xe hơi. Duy nhất trên thế giới chỉ một hảng xe sản xuất dòng này đó chính là Polaris đến từ Mỹ. Sidecar: là dòng xe 2 bánh được độ thùng dùng chuyên chở người, hành lý trong chiến tranh thế giới thứ I và II.
Ngoài ra còn 1 số dòng xe khác có phân khối cả nhỏ, cả lớn như:
9, Xe Minibike
Là các phiên bản cỡ nhỏ của những loại xe truyền thống. Thường thì loại xe này không được lưu hành một cách hợp pháp trên đường giao thông.
10, Xe Supermoto
Là loại xe trông kiểu dáng giống xe địa hình, nhưng được trang bị lốp mềm không có gai để vận hành trên đường nhựa.
11, Xe Moped
Đây là loại xe đặc biệt, “xe đạp lắp động cơ”, thường có cả pedal để người điều khiển xe đạp hỗ trợ trong trường hợp cần thiết. Động cơ thường cỡ nhỏ dưới 50cc và tốc độ bị khống chế dưới 50km/h.
12, Xe Sidecar (quen gọi là sít-đờ-ca)
Là loại xe có một chiếc thùng chở bổ sung gắn vào sườn của một chiếc xe máy để chở hàng hoặc chở thêm một người. Ưu việt của loại xe này là thăng bằng tốt hơn xe máy thông thường, có thể hoạt động tốt trên cả các địa hình trơn trượt.
13, Xe Sport Tourer – Sport Touring
Là các loại xe máy kết hợp giữa xe máy thể thao và xe du lịch. Chính vì vậy Sport Tourer thường có trang bị không được tiện nghi như xe Touring, nhưng động cơ lại mạnh mẽ hơn và tăng tốc cũng tốt hơn.
14, Xe Chopper
Đây là loại xe máy với góc nghiêng phuộc trước rất lớn, phuộc vươn dài về phía trước. Thông thường loại xe này có kiểu dáng thanh thoát với lốp bánh trước có tiết diện nhỏ và nhẹ.
15, Xe Off-road Bike
Đây là loại xe mô tô được thiết kế để chuyên sử dụng trên điều kiện địa hình. Hệ thống giảm xóc có biên độ lớn và lốp có gai rất to.
PHẠM TRUNG / Mô tô Sài Gòn