(baoxehoi) Một điều mà ít ai biết về những chiếc siêu xe Harley-Davidson là thứ làm lên danh tiếng cho những chiếc xe này có đóng góp lớn của tiếng động cơ xe như máy bay, đôi lúc âm thanh này làm mê hoặc nhiều tay đua xe. Đặc biệt đây là những âm thanh độc quyền tạo nên sự đẳng cấp và khác biệt rõ ràng.
Khác biệt của đẳng cấp
Richlen không quá lời. Âm thanh dữ dội của những chiếc Harley là một trong những lý do chính khiến các khách hàng đến với hãng xe này. Ngay cả với mẫu xe điện mới của họ LiveWire, vốn có thể tăng tốc từ 0 lên 100 km/g trong vòng 4 giây, tiếng gầm rú vẫn rất được chú trọng. “Những người yêu xe Harley thuần chất sẽ yêu nó cho mà xem”, Richlen cam đoan. “Bạn không muốn rời chiếc xe đó”.
Không ai có thể phủ nhận rằng mỗi chiếc Harley lại có một âm thanh riêng biệt, nhất là nếu bộ giảm thanh đã được gỡ ra. Nhưng ngay cả với bộ giảm thanh vẫn được sử dụng, tiếng máy xe vẫn hoàn toàn khác so với các xe mô-tô khác. Lý do nằm ở thiết kế động cơ.
Trong một chiếc xe hơi chạy xăng 4 thì chẳng hạn, một chiếc piston đi qua 4 giai đoạn hút, ép, nổ và xả cứ mỗi hai vòng quay của trục cơ. Khi chiếc máy cắt cỏ của bạn ở trạng thái nổ những không lăn bánh, bạn có thể nghe thấy những tiếng nổ nhỏ, đó là âm thanh của xăng bị nén trong xi-lanh thoát ra ngoài khi van xả khí mở ra. Mỗi tiếng nổ là một lần van xả khí mở ra, và điều này xảy ra sau mỗi vòng quay thứ hai của trục cơ.
Tiếng pô siêu xe Harley trên phố luôn thu hút sự chú ý người đi đường.
Máy của xe Harley bao gồm hai piston. Sự khác biệt trong động cơ của Harley là trục cơ chỉ có một chốt lắp thah truyền, và cả hai piston đều kết nối với nó. Thiết kế này, cùng với hình dáng chữ V của xi-lanh, khiến cho các piston không quay trọn 360 độ trong một vòng.
Một động cơ Harley vận hành như sau: Một piston được đẩy vào, piston tiếp theo đẩy vào ở 315 độ (thay vì 360 độ), một khoảng trống 405 độ xuất hiện, piston tiếp theo được đẩy vào, và cứ thế… Chính vì thế, động cơ Harley không phát ra tiếng đều mà là “pop-pop”, một khoảng dừng, rồi lại “pop-pop”, và cứ thế, khi xe nổ máy mà không chạy.
Harley-Davidson được thành lập năm 1903 ở Milwaukie, Wisconsin và đã xoay xở sống qua được cuộc Đại Suy thoái khi nhiều công ty khác trong ngành của họ phá sản. Harley chuyên chế tạo những xe mô-tô hạng siêu nặng chạy trên đường cao tốc, tức những chiếc trên 750 cc.
Những chiếc xe nổi tiếng với thiết kế riêng biệt và âm thanh dữ dội, với nhiều chiếc được thiết kế riêng theo yêu cầu của khách hàng. Năm 1991, Harley-Davidson bắt đầu tham gia Nhóm kiểm tra chất lượng âm thanh, một tổ chức đặc biệt được thành lập chung bởi Orfield Labs, Bruel và Kjaer, TEAC, Yamaha, Sennheiser, SMS và Cortex.
Đó là nhóm đầu tiên trên thế giới chuyên nghiên cứu về âm thanh và tác động tới tâm lý của âm thanh. Cũng trong năm đó, Harley-Davidson tham gia vào các nghiên cứu âm thanh của Orfield Labs. Mục tiêu chính là hạ âm thanh xuống theo tiêu chuẩn châu Âu, nhưng vẫn giữ được âm lượng truyền thống của Harley.
Đăng ký bản quyền âm thanh
Thậm chí, ngày 1/2/1994, công ty còn nộp đăng ký bản quyền âm thanh của động cơ Harley-Davidson lên chính phủ Mỹ. Ngay lập tức, 9 hãng đối thủ của Harley đã đệ đơn phản đối bản đăng ký này. Lập luận của họ là động cơ của họ cũng phát ra tiếng giống như xe Harley. Cuộc kiện tụng bắt đầu và tới năm 2000, Harley-Davidson đã hủy đơn xin cấp bản quyền thương hiệu của họ.
Một người phát ngôn của hãng khi đó nói công ty, sau 6 năm đấu tranh, đã mệt mỏi với việc ném hàng chục nghìn đô-la vô ích vào một cuộc chiến pháp lý không hồi kết. Harley sợ rằng tiếng “thum-thum-thum” rất điển hình của những chiếc xe mà họ sản xuất, có thể nghe rất phấn khích hoặc rất khó chịu tùy theo người cảm nhận, sẽ trở thành nylon tiếp theo. Sản phẩm nhựa tổng hợp này của công ty DuPont không được bảo vệ thương hiệu từ đầu và nhanh chóng trở thành một cái tên chung.
Nhưng Harley đang đi qua một con đường quá khó khăn khi xin giấy phép bản quyền cho âm thanh. Tính tới năm 1998, chỉ 23 trong 730.000 thương hiệu được cấp tác quyền bảo vệ một âm thanh, và hầu hết là những âm thanh nhân tạo, như tiếng gầm của con sư tử trong phần mở màn các phim của hãng MGM, đoạn nhạc 3 nốt của đài truyền hình NBC hay tiếng nhạc mở màn của hãng viễn thông AT&T.
Dù Văn phòng Bản quyền và Thương hiệu Mỹ chưa kịp đưa ra quyết định về Harley thì họ rút đơn, một nguồn bên trong của văn phòng nói sẽ khó có khả năng một giấy chứng nhận như thế được cấp. Những hãng sản xuất xe mô-tô khác trong nhóm phản đối Harley, bao gồm Honda và Yamaha, cho rằng âm thanh đó vốn là đặc trưng của mọi xe máy với động cơ V-kép mà thiết kế đã được phát triển từ lâu trước khi các xe Harley ra đời.
Tuy nhiên, Harley không vì thế mà cho rằng họ đã thua cuộc. “Nếu các khách hàng của tôi biết rằng âm thanh của chúng tôi là không thể bắt chước, thì như thế là đủ cho tôi và Harley-Davidson”, Joanne Bischmann, Phó giám đốc tiếp thị của hãng lúc bấy giờ, kết luận.
Những âm thanh được đăng ký bản quyền
1. Con sư tử của MGM. Có 5 con sư tử khác nhau được sử dụng cho logo của MGM tính tới giờ, nhưng con đầu tiên (là con được cấp bản quyền) có tên Jackie.
2. Nhạc chuông của NBC. Âm thanh đầu tiên được đăng ký bản quyền, vào năm 1950. Với những ai là nhạc sĩ trong các độc giả của chúng tôi, ba nốt nhạc chuông đó là Son (G), Mi (E) và Đồ (C).
3. Nhạc logo của hãng phim 20th Century Fox. Đoạn nhạc này do Alfred Newman sáng tác. Ông là người đứng đầu bộ phận âm nhạc của hãng phim này trong hơn 20 năm. Ông cũng từng chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và giành 9 giải Oscar về nhạc phim trong sự nghiệp của mình.
4. Tiếng “boong” của Intel Inside. Do Walter Werzowa sáng tác ở phòng thu tại nhà của ông, logo gồm năm nốt này được cho là phát ra đâu đó trên thế giới cứ mỗi 5 phút.
5. AAMCO. Âm thanh được đăng ký thương hiệu của hãng sửa và bảo dưỡng xe này là một giọng nói “Double A” kèm theo hai tiếng bóp còi xe, rồi “M-C-O”. Những chủ hãng AAMCO cũng là chủ hãng MAACO, đều đặt theo tên chữ cái đầu tên những người chủ.
Báo xe hơi và đời sống cuối tuần