(Baoxehoi) Siêu xe McLaren P1 là 1 trong những siêu xe có giá đắt nhất của hãng Mclaren. Đây cũng là 1 trong những siêu xe thương mại lọt top 10 siêu xe nhanh nhất thế giới 2015. Vậy siêu xe này có những bí ẩn nào bạn chưa biết ?
Trong quá trình sản xuất McLaren P1, nhà máy phải mất 16.000 lít nước phun vào mỗi chiếc để thử nghiệm xem xe có bị rò rỉ hay không. Nhiệt độ khí thải của McLaren P1 là 980 độ trong thử nghiệm của hãng trong khi nhiệt độ tỏa ra từ động cơ có thể lên tới trên 900 độ.
Nếu McLaren P1 cần sửa chữa hoặc cần có những chỉnh sửa cần thiết, bất kỳ kỹ thuật viên nào cũng phải tuân thủ quy định mặc đồ bảo hộ, găng tay chống điện. Nếu không, họ có thể bị giật khi tiếp xúc với nguồn điện 600 volt từ động cơ điện.
Nhà sản xuất nước Anh cho biết động cơ điện và hệ thống pin trên McLaren P1 là hoàn hảo nhất. Để thử nghiệm hệ thống động cơ này, McLaren đã tạo ra một chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện và cho chạy thử khoảng 96.560 km kể từ năm 2010. McLaren cũng thử nghiệm trên cả 4 chế độ lái khác nhau, ngay cả khi chạy hoàn toàn bằng điện.
Với mức giá lên tới hàng triệu USD cho bản tiêu chuẩn, McLaren P1 sở hữu khung sườn làm hoàn toàn từ sợi carbon. Theo công bố, có tới 6 loại sợi carbon khác nhau được sử dụng trong quá trình sản xuất một mẫu McLaren P1. Thân xe bằng sợi carbon với hơn 200 chi tiết lắp vào 3 thành phần chính. Những khách hàng là tỷ phú không ngần ngại chi tiền cho một mẫu xe hoàn hảo nhất và độc nhất vô nhị. Do đó, McLaren không ngại tiêu tốn cho sợi carbon.
Thậm chí, nếu khách hàng muốn phủ carbon lên toàn bộ bên ngoài chiếc P1 thì các kỹ sư của McLaren cũng có thể làm được. Tất nhiên, bạn sẽ phải tốn thêm ít nhất 305.000 USD. Nhà sản xuất nước Anh cũng sẽ tạo ra động cơ từ chất liệu đột phá đó nếu được yêu cầu.
Hệ thống phanh của McLaren P1 gồm các đĩa phanh bằng hợp chất carbon-ceramic. Đây được biết đến như một trong những vật chất cứng nhất trên thế giới. Trên lý thuyết, những chất liệu này cứng đến nỗi chiếc McLaren P1 sẽ không bao giờ cần thay thế bộ phanh mới trong suốt tuổi thọ của xe. Khi phanh ở tốc độ cao, nhiệt độ của đĩa phanh Akebono có thể lên tới 800 độ.
Riêng với bộ phận phanh, sau nhiều cân nhắc, McLaren đã quyết định từ bỏ hệ thống phanh tái tạo vì nó sẽ ảnh hưởng lớn tới cảm giác phanh của người dùng. Thay vào đó, nhà sản xuất nước Anh bố trí thêm hệ thống phanh phụ ở phía trong của bánh xe. Vật liệu sợi carbon tiếp tục được sử dụng để thay thế lớp nhựa thông vừa để tăng tính thẩm mỹ, vừa giảm trọng lượng tổng thể của xe thêm 1,4kg.
Kính chắn gió của McLaren P1 dày tới 3,2mm. Khối động cơ V8 3.8L nặng khoảng 200kg trong khi khối động cơ điện chỉ nặng 26kg.
Còn nếu bạn muốn tăng tốc và sử dụng tối đa công suất từ 2 động cơ của McLaren P1? Chỉ cần nhấn một nút trên vô lăng, chiếc xe sẽ trở thành một “mãnh thú” đích thực trên đường đua F1. Ở chế độ Race, McLaren P1 sẽ hạ thấp gầm tới mức tối đa nhằm ngăn luồng không khí thổi vào gầm xe, tạo tính khí động học ở mức cao nhất và giảm tối thiểu rủi ro bênh xe khi vào tốc độ cao. Cũng ở chế độ Race, McLaren P1 sẽ tự động tính toán lực ép chính xác, đồng thời tự điều chỉnh hệ thống treo nhằm đảm bảo độ cân bằng của xe.
Theo tính toán, siêu xe McLaren P1 có thể tạo ra lực ép xuống mặt đường tối đa khoảng 600 kg khi cánh gió phía sau mở rộng thêm 300mm, cao hơn nhiều mẫu xe hiện nay và lớn hơn gấp 5 lần so với “người anh em” MP4-12C. Ngoài ra, sự khác biệt giữa hệ thống treo từ bình thường đến chế độ đua lên tới 300%.
Chính nhờ những thông số đó, McLaren P1 trở thành một trong những lựa chọn xa xỉ nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều tỷ phú vẫn chấp nhận bỏ thêm một khoản tiền lớn để biến chiếc McLaren P1 của riêng họ trở nên khác biệt so với những mẫu siêu xe khác cùng đồng hương.
PHƯƠNG LINH