Chào ban biên tập báo xe hơi và đời sống em có câu hỏi mong các anh chị tư vấn giúp.
Tình hình là ông xã nhà em mới mua 1 chiếc xe Toyota Camry là xe cũ đời 2010 mua lại của người thân giá hơn 700 triệu đồng, nhà em có 2 con nhỏ 1 đứa 4 tuổi còn 1 đứa mới được 1 tuổi, sắp tới gia đình em có dự định đi chơi một vài nơi nhưng đang phân vân không biết cho 2 đứa nhóc ngồi vị trí nào trên xe là hợp lý ? Cách ngồi thế nào cho đúng ?
Em cám ơn ban biên tập nhiều.
Trịnh Phương Hoa (Hà Nội)
BAN BIÊN TẬP TRẢ LỜI
Câu hỏi của bạn là câu hỏi khá nhiều phụ huynh quan tâm và đôi lúc bận tâm điều này, chúng tôi dựa trên những kiến thức và kinh nghiệm rõ ràng để trả lời bạn về vấn đề này, bạn đọc hết và nhớ kỹ nhé.:
Cách chọn vị trí ngồi cho trẻ đúng và an toàn nhất
Khi đi xe ô tô 5 chỗ, hầu hết mọi người đều không thích vị trí chính giữa hàng ghế sau, bởi lẽ vị trí này không rộng, thường bị kẹp khi đi đông người, chưa kể lại không có lưng ghế ôm thân và đầu như những vị trí còn lại. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới từ NYtimes, đây chính là chỗ ngồi ít rủi ro và thương vong nhất trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Theo các chuyên gia thuộc Đại học Buffalo (Mỹ), hàng ghế sau có độ an toàn cao hơn 59-86% so với hàng ghế trước. Đặc biệt, vị trí giữa 2 ghế sau lại càng an toàn hơn tới 25% so với hai ghế bên.
Nguyên nhân của việc này là bởi ghế giữa hàng sau là vị trí ít chịu tiếp xúc từ bên ngoài nhất. Nếu như xe bị va chạm trực diện, hàng ghế trước sẽ bị rủi ro cao do hắt về trước, gây đập đầu, ngực vào bảng táp lô, kính lái nếu không có túi khí ngăn lại. Hàng ghế sau xa hơn nên quán tính ít hơn, có thể chỉ đập vào lưng ghế, không có vật cứng và sắc nên chấn thương không cao.
Nhưng nếu xe bị đâm ngang hông, 2 ghế sát cửa sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất, có thể gây tử vong tại chỗ nếu không có túi khí hông. Trong trường hợp đó, việc ngồi ở vị trí chính giữa hàng ghế sẽ tạo ra khoảnh cách tương đối tới cửa, giảm bớt lực va đập trực tiếp tới cơ thể. Nếu kết hợp cả 2 trường hợp trên, có thể thấy vị trí chính giữa ghế sau là an toàn nhất.
Chính nhờ tác dụng này mà ghế chính giữa ghế sau thường được dành cho trẻ em, độ tuổi trung bình là 15,4 tuổi (trong khi ở 2 vị trí còn lại của hàng sau là 20 tuổi). Có thể thấy, xu hướng của các bậc phụ huynh thường là cho trẻ ngồi ở chính giữa ghế, bên cạnh là 2 người lớn để tiện che chở.
Trên thực tế, Cục an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) và Học viện nhi khoa Mỹ (AAP) đều khuyến cáo rằng, các gia đình nên dành vị trí chính giữa hàng ghế sau cho trẻ em dưới 13 tuổi. Đây là vị trí thích hợp nhất cho các gia đình lắp ghế trẻ em. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý là vị trí này chỉ an toàn nếu như người ngồi thắt đủ dây an toàn dạng 3 điểm giống như những ghế sát cửa chứ không phải loại thắt quanh bụng như các xe đời cũ.
Cách ngồi trên từng loại phương tiện phổ biến nói chung (áp dụng cho cả người lớn)
Vị trí an toàn trên xe khách
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vị trí ngồi an toàn nhất trên xe khách là giữa xe, khu vực gần cửa. Đây là vị trí ngồi khách hàng sẽ ít bị ảnh hưởng nhất với các va chạm từ 4 phía. Vị trí ngồi nguy hiểm nhất là vị trí ở sát cửa sổ. Khi ngồi ở vị trí này, khách hàng dễ bị các hành khách khác đè lên hoặc bị các mảnh kính vỡ găm vào người đồng thời cũng khó thoát ra ngoài nếu như có sự cố xảy ra. Đồng thời, các nghiên cứu cũng chỉ rõ, việc đứng trên xe khách khi xe di chuyển có nguy cơ chấn thương cao nhất vì khả năng giữ thăng bằng yếu, xe khách không có các điểm bám đặc biệt như xe bus.
Vị trí an toàn trên xe con
Vị trí an toàn nhất trên xe con là vị trí ở giữa hàng ghế ngay sau ghế lái. Các kết quả nghiên cứu tai nạn giao thông cho thấy những người ngồi ở vị trí sau, giữa xe sẽ chấn thương nhẹ hơn 60% so với các hành khách còn lại. Vị trí ngồi trước, cạnh ghế lái vốn được rất nhiều người lựa chọn vì cho rằng tiện để quan sát đồng thời ít bị say xe nhưng thực chất đây lại là vị trí rất nguy hiểm.
Vị trí an toàn trên xe bus
Dãy ghế bên phải xe là vị trí ngồi an toàn trên xe bus. Bởi lẽ với chiều chuyển động giao thông như ở nước ta hiện nay thì hướng xe chuyển động sẽ ở bên trái nên những hành khách ngồi ở bên phải sẽ có nguy cơ chấn thương ít hơn nếu xe xảy ra va chạm.
Khi hết chỗ ngồi, buộc phải đứng thì bạn hoàn toàn không nên đứng dựa vào thành xe không thôi mà nên bám vào các nắm bám đặc biệt trên xe, chân đứng rộng bằng vai để trọng lượng dồn đều xuống hai chân. Khu vực nguy hiểm nhất trên xe bus là cửa xe. Nếu buộc phải đứng ở vị trí này thì bạn phải hết sức cẩn thận.
B.B.T