Xem trên các trang mạng thường thấy định nghĩa đại gia là đi xe sang, ở nhà biệt thự, dùng đồ hiệu, tiêu tiền không tiếc tay. Như thế mới chỉ là 1 khía cạnh
Là người đam mê xe ô tô tôi thường xuyên xem các trang báo mạng. Tôi thấy những người được gọi là đại gia đều thấy tên tuổi gắn với xe cộ đắt tiền, nhà ở lớn, biệt thự hay du thuyền, dùng Vertu, quần áo hàng hiệu….
Nhưng tôi thấy đó mới chỉ là 1 khía cạnh nhỏ. Theo tôi để được gọi là đại gia cần rất nhiều yếu tố. Trong đó nền tảng họ phải là những người giỏi kinh doanh nhưng có tâm và đạo đức, sự cống hiến với xã hội và người dân mới đủ.
Có nghĩa bản thân họ là người kinh doanh vừa làm giàu cho chính họ và gia đình. Nhưng đồng thời phải tạo ra nhiều công ăn việc làm giúp người khác sinh sống và phát triển.
Bên cạnh đó theo tôi một khía cạnh tạo nên đại gia chính là phong cách và lối sống, sự giao tiếp của họ. Họ vừa sống sang chảnh, giàu sang, đầy đủ tất cả nhưng với người khác dù nghèo hơn nhưng họ luôn trân trọng và không tỏ ra khinh nghèo hay gì. Nói chuyện nhẹ nhàng, tâm lý và vui vẻ với nhiều người khác mới gọi đúng là đại gia có tài, có tâm.
Nhiều người cũng luôn muốn đóng góp cho sự phát triển quê hương bằng các công trình lớn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, đồng thời hướng được người khác làm ăn, giúp ích cho gia đình và xã hội cũng xứng tầm với 2 chữ đại gia.
Ngoài ra làm từ thiện theo tôi nếu vị đại gia có tâm làm từ thiện thì cũng rất tuyệt vời. Có thể họ chỉ giúp vài triệu cho người khác cũng đã là đáng quý. Có lúc cũng chỉ cần động viên tinh thần và quan tâm người nghèo, người không may có hoàn cảnh khó khăn hay bệnh tật đó cũng là điều tạo phúc và lợi cho họ hơn. Các đại gia không nhất thiết phải đi làm từ thiện nhưng nếu họ thương người và có tấm lòng giúp người khác thì đó cũng là điều nên làm.
Trong một xã hội ngày càng cần sự phát triển kinh tế, tinh thần, vật chất thì giới doanh nhân cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng với sự phát triển đó. Nên khái niệm “đại gia” cần phải đặt lên tầm cao hơn, có nghĩa họ phải đáp ứng nhiều tiêu chí hơn. Điều đó mới xứng tầm cho người khác nể phục.
Bạn đọc Hoàng Anh (Từ Sơn – Bắc Ninh)