(Baoxehoi) Có nhiều loại thực phẩm nếu ăn nhiều không những không tốt cho sức khỏe, thậm chí làm bạn nhanh già và yếu đi
Đồ chiên
Các thực phẩm chiên như khoai tây, bánh quẩy và các loại bánh chiên, được chế biến ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra rất nhiều chất độc hại. Trong đó có một số chất gây ung thư và tạo ra phản ứng oxy hóa trong cơ thể, gia tăng gốc tự do, đẩy nhanh tốc độ lão hóa của các tế bào.
Ngoài ra, thực phẩm chiên dầu còn chứa hàm lượng chất béo và nhiệt lượng cao, dễ gây tăng cân và béo phì. Lượng mỡ trong cơ thể quá nhiều ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và nội tiết, khiến các chức năng trong cơ thể bị tổn hại, đẩy nhanh tốc độ lão hóa làm cho bạn già nhanh.
Thực phẩm ngâm muối và hun khói
Những thức ăn này chứa hàm lượng muối rất cao, gây tổn hại đến niêm mạc dạ dày, tăng thêm gánh năng cho thận, làm tăng huyết áp, đẩy nhanh tốc độ lão hóa. Thực phẩm ngâm muối và hun khói thường không tươi và kém vệ sinh, trong quá trình chế biến tạo ra vô số vi khuẩn và chất độc hại. Thường xuyên tiêu thụ các món này sẽ ảnh hưởng đến quá trình sao chép gene, làm giảm sức sống của tế bào.
Đồ hộp
Thực phẩm đóng hộp rất tiện lợi và đa dạng nên được nhiều người ưa thích. Thực tế trong quá trình chế biến, người ta đã thêm vào rất nhiều chất phụ gia, muối hoặc đường, vì vậy dinh dưỡng của của các sản phầm này ít hơn rất nhiều so với những thực phẩm tươi sống. Các chuyên gia cảnh báo tiêu thụ thực phẩm này lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe, khiến cho cơ thể nhanh chóng lão hóa.
Thịt chế biến sẵn
Thịt chế biến sẵn như dăm bông, lạp xưởng không chỉ làm mất đi độ tươi ngon mà còn được cho thêm rất nhiều nitrat, muối ăn và các chất phụ gia khác. Hàm lượng muối cao là “sát thủ của sức khỏe”, làm giảm sức sống của tế bào, đẩy nhanh quá trình lão hóa cơ thể. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp thịt chế biến sẵn vào danh sách các thực phẩm gây ung thư hàng đầu đối với con người.
Thực phẩm giàu chất béo
Thực phẩm giàu chất béo luôn tỏa mùi thơm hấp dẫn mọi người song lại là thực phẩm đẩy nhanh quá trình lão hóa, không nên ăn nhiều. Thực phẩm giàu chất béo dễ bị oxy hóa và ôi thiu, đồng thời tạo ra chất lipid hydroperoxide, thúc đấy chuỗi phản ứng liên quan đến gốc tự do, gây tổn hại đến quá trình oxy hóa trong cơ thể, khiến cơ thể lão hóa nhanh.
Thực phẩm lên mốc
Thực phẩm lên mốc sẽ tạo ra rất nhiều vi khuẩn, độc tố, những độc tố này làm tổn hại đến gan, thận và hệ thần kinh… thậm chí còn gây ung thư. Nghiên cứu cho thấy đậu phộng và bắp bị mốc sẽ tạo ra độc tố aflatoxins. Mía mốc có thể sẽ nguy hiểm tính mạng. Tôm, cua, cá để lâu bị biến chất sẽ tạo ra một số chất độc hại như amine, histamin, sulfide. Những thực phẩm lên men trong môi trường kém vệ sinh như đậu hũ thối, đậu tương dễ bị nhiễm độc tố. Các nhà khoa học khuyên mọi người hãy lựa chọn các loại thực phẩm tươi sống, tránh ăn các thực phẩm đã bị biến chất để bảo vệ cơ thể.
Thực phẩm nhiễm chì
Chì là kim loại rât độc, khi vào cơ thể sẽ gây hại đến máu, gan, hệ thần kinh, gây rối loạn thần kinh, giảm trí nhớ và khiến sắc mặc đen sạm, nhanh lão hóa. Thực phẩm chứa chì phần lớn bắt nguồn từ ô nhiễm chì công nghiệp. Một số món ăn đựng trong hộp kim loại hoặc bao bì in mực dễ bị nhiễm độc chì như bánh snack, bắp rang bơ, trứng bắc thảo, trái cây rau củ… Ngoài ra, trong cuộc sống cũng có rất nhiều nguồn nhiễm chì, bao gồm mỹ phẩm, thuốc nhuộm tóc, giấy báo, sơn, bút sáp, đồ chơi. Do vậy mỗi người phải đề cao cảnh giác, không để những vật phẩm chứa chì này làm ô nhiễm thức ăn.
Thực phẩm nhiễm độc nhôm
Cũng giống như chì, nhôm là kim loại độc có hại cho sức khỏe con người, sau khi vào cơ thể sẽ tích lũy dần. Nhôm kết hợp với nhiều loại protein, enzyne tác động đến nhiều quá trình phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Sau khi nhôm xâm nhập cơ thể người sẽ làm tổn thương não, suy giảm trí nhớ, đần độn, có thể gây ra bệnh thiếu máu, loãng xương, lão hóa nhanh. Nhôm trong thực phẩm phần lớn bắt nguồn từ các chất phụ gia từ quá trình chế biến có chứa nhôm như potassium alum. Các thực phẩm thường có chứa nhôm như bánh quẩy, bánh xốp,snack, tôm, thực phẩm chiên giòn, thủy sản chế biến…
THẾ THÀNH
Theo: Tạp chí Công nghệ và đời sống