Vụ việc nữ tài xế Mercedes tông hàng loạt xe máy tại Q.5, TP.HCM gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến của người trẻ cho rằng, phụ nữ lái xe nguy hiểm hơn đàn ông, thực tế có phải như vậy?
Thấy phụ nữ lái xe là ‘né’
Chị Nguyễn Thị Kim, 35 tuổi, trú đường Hưng Phú, Q.8, TP.HCM, thừa nhận nếu mình đang chạy xe máy ngoài đường, thấy có xe hơi mà phụ nữ cầm lái, chị sẽ đi chậm lại, “né” sang lề đường, hoặc làm sao để càng xa chiếc xe hơi đó càng tốt. “Cũng là phụ nữ, từng luống cuống trong xe hơi, đến mức bị thầy giáo dạy lái xe mắng cho sợ phát khóc, tôi không tin tưởng lắm phụ nữ lái xe. Nên tránh voi không xấu mặt nào”, chị Kim nhận xét.
Chị Nguyễn Linh, 37 tuổi, nhân viên văn phòng tại Q.7, TP.HCM, cho hay bản thân chị nhiều năm nay lái xe hơi, vì nhà ở xa nơi làm việc, nhưng chị đồng tình với ý kiến phụ nữ ở Việt Nam nên hạn chế cầm lái.
“Lý do vì phụ nữ thường định vị kém, phản ứng chậm. Do đó phụ nữ hay bị lạc đường hoặc mất bình tĩnh. Tôi có viết nhiều câu chuyện khá hài hước trên Facebook, kiểu như đi đường thấy ai chạy xe loạng quạng là biết nữ lái, hoặc de xe, đậu xe méo mó thì đích thị là nữ cầm vô lăng”, chị Linh đưa ý kiến.
Không có chuyện phụ nữ lái xe thì kém an toàn hơn đàn ông
Anh Nguyễn Văn Thọ, kỹ thuật viên, Lexus trung tâm Sài Gòn (Công ty TNHH Toyotsu Samco), cho hay không có chuyện so sánh phụ nữ lái xe an toàn hơn, hay nguy hiểm hơn đàn ông: “Đàn ông hay phụ nữ là bình đẳng, khi lái xe mọi người đều cần tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn để lái xe an toàn”.
Anh Thọ cho rằng, bằng thực tế ngoài đời sống cho thấy, hiện tại ở Việt Nam việc giảng dạy và cấp giấy phép lái xe có phần dễ dàng, các học viên có thời gian thực hành lái xe ở đường trường ít, do đó, kỹ năng lái xe sẽ bị hạn chế. Để lái xe an toàn, trước khi cầm lái một mình, các học viên, đặc biệt là nữ giới cần được bổ túc tay lái trên đường nhiều thời gian hơn.
Phụ nữ lái xe, hãy cẩn trọng chiếc khẩu trang
Anh Nguyễn Văn Thọ cho hay nhiều chị em phụ nữ lên xe là vội vàng lái ngay, thiếu quan sát, điều chỉnh ghế ngồi đã phù hợp tầm với của chân hay chưa, gương hai bên, gương chiếu hậu đã đúng tầm nhìn chưa, điều này là sai lầm cần thay đổi.
“Khi lái xe, chị em phụ nữ cũng không nên mang giày cao gót, hãy chuẩn bị trong xe một đôi giày đế bằng. Đi giày cao gót sẽ khiến động tác đạp phanh, ga của chân thiếu chuẩn xác.
Thực tế, tôi cũng quan sát thấy nhiều chị em lo lắng da mặt bị đen, nên dẫu ngồi trong xe hơi vẫn bịt kín khẩu trang. Nên chọn khẩu trang nhỏ gọn, đừng dùng những loại quá lớn, lòe xòe, ảnh hưởng tầm nhìn của đôi mắt, điều này cực kỳ nguy hiểm”, anh Thọ nói.
Anh Thọ cũng khuyên, phụ nữ dễ bị phân tâm, cảm xúc chi phối, trong khi lái xe thất sự cần bình tĩnh, nếu có chuyện căng thẳng, mệt mỏi, nên đi taxi, đừng liều mà gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Phụ nữ lái xe nên chọn xe 4 chỗ thay vì 7 chỗ hay bán tải
Chị Nguyễn Linh, nữ tài xế nhiều năm nay, cho biết kinh nghiệm của chị là phụ nữ lái xe nên kiểm tra xe định kỳ 6 tháng một lần hoặc theo thời hạn trong sổ, để biết phanh xe, nhớt xe, lốp xe cần thay chưa. “Nên lái chậm trong nội thành, đi xe 4 chỗ… tránh lái xe 7 chỗ hoặc bán tải sẽ khó định vị, tránh đi đường cao tốc hoặc đi lối có nhiều xe tải, dễ bị căng thẳng hoặc lúng túng khi xử lý tình huống. Phụ nữ Việt Nam thể trạng thấp bé, nhưng xe hơi đa phần là xe nhập, thiết kế cho phụ nữ cao lớn, nên học cách chỉnh ghế lái và tay lái thấp xuống, mỗi khi bước vào xe nên chỉnh ghế, kính xe trước khi khởi động”, chị Linh trao đổi.
Theo: Báo Thanh Niên