Xe Bus 2 tầng tương lai có thể được sử dụng nhiều ở Hà Nội

Một trong những giải pháp được đưa ra ở Hội thảo nhằm giảm tải giao thông đặc biệt tình trạng tắc ngẽn giao thông đó là sử dụng xe Bus 2 tầng cho việc di chuyển công cộng trong thành phố Hà Nội.

Mới đây, Sở GTVT, UBND TP Hà Nội cùng Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tổ chức Hội thảo về nâng cao chất lượng và phát triển dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe bus trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Các chuyên gia đều nhận định xe bus không thể phát triển được do gặp phải những hạn chế về mặt hạ tầng. Hiện tại, trên địa bàn TP có 96 tuyến xe bus đang hoạt động, nhưng chúng gần như chưa có đường dành riêng.

Đề cập đến khó khăn của xe bus, ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho hay: Tại các nơi có hệ thống vận tải hành khách công cộng phát triển như Seoul hay Singapore, xe bus được ưu tiên trên những tuyến đường dành riêng. Ở Hà Nội thì ngược lại, xe bus luôn phải “vật lộn”, loay hoay giữa một rừng phương tiện khác.

anh-1

Xe Bus 2 tầng có thể là 1 phương tiện hữu ích và giúp giảm tải ùn tắc trong tương lai ?

Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia bày tỏ ý kiến: Chỉ còn cách là đưa xe bus 2 tầng và hoạt động nếu như không thể tăng số lượng các phương tiện. Theo ông, điều kiện hạ tầng hiện nay không cho phép tăng thêm xe vì mật độ xe đã nhiều, lại phân bổ không đồng đều. Do đó, việc triển khai nghiên cứu xe bus 2 tầng là hợp lý. Việc này không những có thể giảm mật độ xe bus hoạt động mà còn cải thiện về chất lượng dịch vụ. Tiến sĩ cho biết, bản thân ông cũng là người muốn đi xe bus nhưng không muốn bước lên một chiếc xe chật cứng người.

Trong khi đó, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, thành phố cần ưu tiên làm bằng được vỉa hè cho người đi bộ để có thể tiếp cận xe bus, đồng thời xây dựng đường dành riêng cho loại phương tiện này.

Bên cạnh những đề xuất về hạ tầng, nhiều ý kiến khác còn cho rằng cần phải đói mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tiêu chuẩn trong xe bus nội thành, nâng cao năng lực phục vụ hành khách. Đặc biệt, thành phố cũng cần nhanh chóng xác định lại quỹ đất dành cho vận tải hành khách công cộng bằng xe bus, ưu tiên hạ tầng cho các trục đường chính và có nhu cầu cao trong giờ cao điểm.

THÔNG TIN THÊM:

Ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc đưa vào hoạt động xe buýt 2 tầng với sức chở tối đa 150 hành khách sẽ giảm bớt mật độ xe buýt lưu thông trên đường. Hiện tại, các tuyến đường đông khách hiện nay phải bố trí chạy 400 chuyến xe buýt /ngày, nếu có xe buýt 2 tầng, chỉ cần khoảng 250 chuyến/ngày là đủ đáp ứng nhu cầu.

Theo Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch, tại TP. Hồ Chí Minh, xe buýt 2 tầng phù hợp với những tuyến đường dài như đường Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt – đại lộ Đông Tây, xa lộ Hà Nội, đường Trường Chinh – Quốc lộ 22…

xe-bus-1

Xe Bus ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai có thể ứng dụng mô hình xe bus 2 tầng.

Trong quy hoạch phát triển xe buýt, nên có phân cấp sao cho vừa có xe buýt khối lượng lớn như xe buýt 2 tầng, vừa có xe buýt thường và xe buýt mini. Có như vậy thì hoạt động xe buýt mới hiệu quả.

Hiện TP. Hồ Chí Minh có hàng nghìn chiếc xe buýt, đa số đã cũ, nên đây là thời điểm thích hợp để đầu tư xe mới, trong đó có xe buýt 2 tầng để giảm tải cho giao thông. Phát triển xe buýt nên đi đôi với phát triển các bãi đậu xe ở ngoài, để người dân có thể gửi xe cá nhân ở đó và đi xe buýt vào trung tâm thành phố.

PHƯƠNG ANH

Theo: Tạp chí Công nghệ và đời sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *