Những thay đổi trong thuế tiêu thụ đặc biệt liên quan xe hơi

(Baoxehoi) Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt có những thay đổi khá rõ rệt trong đó đáng chú ý là việc giảm thuế xe con đặc biệt là xe dung tích nhỏ dưới 2.0 và thay đổi cách tính thuế
Đang có đề xuất điều chỉnh mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô con theo hướng giảm thuế suất đối với dòng xe ưu tiên phát triển (xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3); tăng mức thuế suất đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3, tiêu hao nhiên liệu, giá cao…

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ba nội dung quan trọng: (i) điều chỉnh thuế suất đối với ô tô; (ii) thay đổi giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu; và (iii) xác định lại giá tính thuế đối với cơ sở sản xuất bán hàng qua công ty con.

Giảm thuế xe con?

Trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô con theo hướng giảm thuế suất đối với dòng xe ưu tiên phát triển (xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3); tăng mức thuế suất đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3, tiêu hao nhiên liệu, giá cao…

Theo đó, các loại xe dưới chín chỗ ngồi có dung tích xi lanh đến 2.000 cm3 (đang có thuế suất 45%) sẽ được giảm thuế. Cụ thể, xe có dung tích xi lanh đến 1.000 cm3 từ 1-7-2016 thuế suất còn 25%, từ ngày 1-1-2018 chỉ còn 20%; xe có dung tích từ trên 1.000-1.500 cm3 có mức giảm tương ứng là 30% và 25%; xe có dung tích trên 1.500-2.000 cm3 có mức giảm tương ứng là 40% và 30%.

Đối với loại xe chín chỗ ngồi có dung tích xi lanh từ 2.000-3.000 cm3, thuế suất sẽ tăng từ 50% (hiện nay) lên 60% từ ngày 1-7-2016, và giảm lại 55% từ ngày 1-1-2018. Loại xe có dung tích từ trên 3.000 cm3 (hiện đang có mức thuế suất 60%) có mức thuế suất tăng giảm với thời gian tương ứng là 75% và 70%.

Riêng với ô tô nhập khẩu (loại dưới 24 chỗ ngồi) và máy lạnh có công suất dưới 9.000 BTU/giờ (đơn vị nhiệt Anh – một BTU được định nghĩa là nhiệt lượng cần thiết để tăng nhiệt độ của một pound nước lên một độ Fahrenheit) và các loại hàng hóa khác như rượu, bia… Bộ Tài chính đề xuất thay đổi quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, tính cả chi phí bán hàng trong nước của nhà nhập khẩu, tức thu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nội địa khi bán ra.

Thay đổi giá tính thuế

Theo Bộ Tài chính, không chỉ có ô tô dưới 24 chỗ ngồi và máy lạnh có công suất dưới 9.000 BTU/giờ bị cắt giảm thuế nhập khẩu về mức 5%, 0% vào năm 2018; mà một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khác như rượu, bia… cũng có thuế nhập khẩu giảm mạnh trong thời gian tới (theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – ATIGA, thuế rượu, bia các loại giảm từ 55-50% về 5% năm 2017 và về 0% năm 2018).

Cho nên, bộ này cho rằng, nếu cứ căn cứ vào giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt như luật hiện hành “là giá nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu” thì khi thuế nhập khẩu giảm mạnh sẽ kéo theo thuế tiêu thụ đặc biệt giảm mạnh (thu ngân sách sẽ giảm).

Một lý do nữa cũng được bộ đưa ra để đề xuất thay đổi giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là, nếu tiếp tục duy trì quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu như hiện nay (giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở bán ra; còn đối với hàng hóa nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu), thì với khác biệt về chi phí lưu thông, bán hàng… sẽ bất lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước [cùng loại].

Do đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế, Bộ Tài chính đã “điều chỉnh” cách chọn giá để làm căn cứ tính thuế. Theo đó, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra; đối với hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra (chứ không phải là giá nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu như hiện nay).

Đồng thời, để “khắc chế” hiện tượng chuyển giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt qua công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ, Bộ Tài chính đã đưa vào dự thảo luật quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cơ sở sản xuất bán hàng qua công ty con: “Trường hợp bán hàng qua các công ty con hoặc bán hàng qua công ty con khác trong cùng công ty mẹ thì giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do các công ty con bán ra thị trường”.

Rượu, bia phản hồi

Các hội viên quốc tế của Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết họ đang rất lo lắng trước đề xuất sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế.

Theo các hội viên quốc tế của VBA, với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt nói trên, nếu dự luật được thông qua (dự kiến Quốc hội sẽ thông qua vào kỳ họp cuối năm nay) thì sẽ “tác động vô cùng lớn” đến hoạt động kinh doanh của họ. Vì khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng rượu, bia (nói riêng) sẽ tăng chứ không giảm như kỳ vọng của họ vào Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (FTA) vừa ký hồi tháng 8-2015.

Các hội viên quốc tế của VBA cho rằng việc thay đổi giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt do Bộ Tài chính đề xuất là nhằm “đối phó” với khả năng thất thu thuế trong thời gian tới, khi lộ trình giảm thuế nhập khẩu trong các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam cam kết có hiệu lực. Nhưng giải pháp thay đổi giá làm căn cứ tính thuế là “không được sòng phẳng”.

Theo một số doanh nghiệp nhập khẩu rượu thì “việc cắt giảm thuế suất nhập khẩu theo các hiệp định thương mại là kết quả đàm phán đảm bảo lợi ích của các bên tham gia hiệp định, tức là các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu cũng được các nước tham gia ký kết cắt giảm thuế suất, và điều này đã được tính tới trong quá trình đàm phán”.

Các hội viên quốc tế của VBA cho rằng, việc đề xuất thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt buộc phải sửa đổi ngay các luật thuế liên quan mới vừa ban hành chưa lâu sẽ tạo nên sự bất ổn định về chính sách thuế, gây tác động tiêu cực tới các kế hoạch kinh doanh ngắn hạn và dài hạn của rất nhiều doanh nghiệp liên quan.

Hơn nữa, với quy định hiện hành (Nghị định 94/2012 về sản xuất và kinh doanh rượu) thì nhà nhập khẩu có thể bán cho thương nhân phân phối, thương nhân bán buôn và được trực tiếp bán lẻ tại của hàng thuộc doanh nghiệp. Như vậy, sẽ có rất nhiều mức giá để tính thuế tiêu thụ đặc biệt – biết chọn giá bán ra nào? Và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều về các luật thuế hiện không nằm trong Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2015… Do đó, các hội viên quốc tế VBA mong muốn giữ nguyên cách tính thuế đối với mặt hàng rượu nhập khẩu như đang áp dụng hiện tại.

AN NHIÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *