Việc hạn chế dân tị nạn ở Châu Âu ảnh hưởng xấu đến sản xuất xe ô tô

Trong cuộc bàn luận tại triển lãm Geneva, đại diện các tập đoàn xe hơi lớn như Ford, Opel và Daimler đều đồng quan điểm cho rằng hệ thống sản xuất của ngành công nghiệp xe hơi rất dễ bị ảnh hưởng bởi chính sách hạn chế nhập cư của châu Âu sau cuộc khủng hoảng người tị nạn ở khu vực.

Theo thông tin sự kiện ô tô, nguy cơ bãi bỏ hiệp ước Schengen về tự do đi lại trong liên minh châu Âu xuất phát từ làn sóng nhập cư khiến nhiều lãnh đạo trong ngành công nghiệp xe hơi lo lắng. Nguyên nhân là do việc thắt chặt quy định tại biên giới sẽ tác động đến sự lưu thông của hàng hóa cũng như việc sản xuất xe hơi.

Ông Karl-Thomas Neumann – giám đốc điều hành của Opel – cho biết: “Việc bãi bỏ hiệp ước Schengen sẽ tác động tiêu cực đến chúng tôi. Chúng tôi hiện đặt trụ sở hoạt động, hậu cần khổng lồ tại phía Nam châu Âu. Bất cứ sự gián đoạn nào cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh”. Opel phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống giao thông thông suốt trong khu vực để vận chuyển hàng hóa và thiết bị của mình từ những nhà máy ở Đức, Tây Ban Nha, Phần Lan, Anh và Ý đến các thị trường trong khu vực.

Các trang tin tức xe hơi cho biết hiệp ước Schengen được thiết lập cách đây 30 năm và tới nay đã có 26 nước thành viên, trong đó có 22 thành viên thuộc khối EU. Sau khi làn sóng người tị nạn đổ dồn đến châu Âu, nhiều quốc gia trong khối hiệp ước này đã phải điều chỉnh quy định kiểm soát tại biên giới trong những tháng gần đây, làm dấy lên mối quan ngại rằng toàn bộ hệ thống hiệp ước sẽ bị sụp đổ.

bo-suu-tap-xe-dep

Mặt khác, tại Geneva lần này, Opel và chi nhánh General Motors ở châu Âu đều đặt mục tiêu tăng doanh thu trong năm 2016. Khi tính trước thuế, GM trong năm vừa qua đã thua lỗ gần 800 triệu USD, con số này vào năm 2014 là 1,4 tỷ USD.

Giám đốc của Ford tại Đức ông Bernhard Mattes cũng cho rằng bất cứ quy định hạn chế di chuyển nào giữa các quốc gia châu Âu cũng sẽ giáng một đòn đau vào việc sản xuất. Ông cho biết:“Ford đặt nhà máy tại Đức, Romania, Tây Ban Nha và Anh. Đội ngũ hậu cần của chúng tôi đang nỗ lực để cung ứng thiết bị, bộ phận lắp đặt cho các nhà máy. Hiệp định tự do đi lại chính là yếu tố cơ bản để đảm bảo hiệu suất sản xuất. Vì vậy, chúng tôi muốn duy trì hệ thống này”.

Ông Dieter Zetsche – giám đốc điều hành của Daimler – cũng cho biết công ty mình hiện đang thúc đẩy tối đa công suất sản xuất, bởi nhu cầu thị trường xe hơi đối với những phương tiện hạng sang như GLC và dòng E Class mới tăng cao. Do đó, các bộ phận lắp ráp cần được chuyển đến các nhà máy để đảm bảo quy trình sản xuất hoạt động trôi chảy. Việc đóng cửa tại biên giới sẽ làm gián đoạn hệ thống sản xuất của hãng xe Daimler.

Các nhà lãnh đạo châu Âu dự định sẽ đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 7/3 và họp để bàn về vấn đề người nhập cư vào ngày 18 và 19/3. Đây sẽ là cơ hội cuối cùng để các lãnh đạo xem xét và đưa ra quyết định đối với người nhập cư, trước khi thời tiết ấm lên và dân tị nạn ở các nước bắt đầu di chuyển qua khu vực Địa Trung Hải.

PHƯƠNG ANH

Theo: Tạp chí Công nghệ và đời sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *