Top vấn đề lớn của thị trường xe ô tô, xe máy năm 2015

Năm 2015 đang dần khép lại với nhiều câu hỏi lớn còn chưa có lời đáp trên thị trường ô tô, xe máy Việt Nam…

Người tiêu dùng “đau đầu” vì chính sách thuế

Trước tình hình thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc phải giảm về 0% vào năm 2018 theo lộ trình của khối ASEAN, vào tháng 8/2015, Bộ Tài chính đã đề xuất thay đổi thuế Tiêu thụ Đặc biệt (TTĐB) đối với các dòng xe ôtô chở người dưới 9 chỗ, chia nhỏ dung tích các dòng xe để có các mức thu thuế TTĐB tương ứng. Theo đó, các dòng xe dưới 2.000cc sẽ có mức thu giảm mạnh so với mức thu hiện tại kể từ 1/7/2016.

Theo lí giải của Bộ Tài chính, mục đích của đề án này là “để khuyến khích người dân sử dụng các dòng xe nhỏ tiêu hao ít nhiên liệu; mặt khác cũng là khuyến khích sản xuất trong nước – vốn chủ yếu là các dòng xe này”. Riêng với các dòng xe dung tích lớn (từ 2.000cc trở lên), được coi là không phù hợp, sẽ có mức tăng cao – từ 10-15%. Tuy nhiên, phương án thay đổi này đã không nhận được sự đồng thuận từ Ủy bạn Tài chính Ngân sách với lí do sẽ không tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển.

 Các dòng xe dung tích lớn được coi là không phù hợp với thị trường Việt Nam (Ảnh: Nhật Minh)

Các dòng xe dung tích lớn được coi là không phù hợp với thị trường Việt Nam (Ảnh: Nhật Minh)

Trong khi đề xuất giảm thuế TTĐB không được Quốc hội chấp nhận thì một đề xuất khác của Bộ Tài chính đã được Chính Phủ phê duyệt và hiện thực hóa bằng Nghị định 108/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2016 liên quan đến cách tính thuế TTĐB mới. Theo đó, với cách tính giá trị thuế TTĐB mới sẽ làm cho giá bán xe ôtô dưới 9 chỗ tại Việt Nam sẽ thay đổi theo chiều hướng tăng giá (theo đó cách tính giá tính thuế TTĐB mới sẽ được tính là giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng, đã bao gồm các chi phí về bán hàng, chi phí quản lí, marketing…).

Như vậy, trong năm 2016 tới đây, giá ôtô tại Việt Nam sẽ tăng từ 5-20% (tùy dung tích và xuất xứ), dù một số dòng xe nhập khẩu từ khối ASEAN nếu đảm bảo các tiêu chí chung sẽ được giảm 10% thuế nhập khẩu (từ 50% xuống còn 40% từ 1/1/2016).

Thị trường ô tô sôi động, xe máy trầm lắng

Thị trường ô tô Việt Nam chuẩn bị khép lại năm 2015 đầy sôi động cả với xe lắp ráp trong nước lẫn nhập khẩu.

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong 11 tháng đầu năm, toàn thị trường đã tiêu thụ hơn 215.000 xe, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo tiêu thụ cả năm sẽ lập mốc kỷ lục trên dưới 250.000 xe.

Đặc biệt, rất nhiều xe siêu sang và siêu xe (cả nhập khẩu chính hãng lẫn “ngoài luồng”) dồn dập về Việt Nam; trong đó, nổi bật nhất là hơn 25 chiếc siêu xe hybrid BMW i8, trên dưới 10 chiếc Lamborghini các loại, Rolls-Royce Phantom Lửa thiêng trị giá hàng chục tỷ đồng… Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2015, tổng lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu đạt khoảng 125.000 chiếc, tương đương kim ngạch 2,97 tỷ USD, tăng 77% về lượng và 88% về giá trị so với cùng kỳ 2014.

Thương hiệu xe thể thao hạng sang Maserati chính thức có mặt tại Việt Nam, cùng những thông tin về việc Volkswagen chuẩn bị có nhà máy tại Việt Nam càng làm thị trường ôtô thêm sôi động.

 Mua ô tô là nhu cầu thực tế của nhiều người tiêu dùng Việt Nam (Ảnh: Nhật Minh)

Mua ô tô là nhu cầu thực tế của nhiều người tiêu dùng Việt Nam (Ảnh: Nhật Minh)

Có nhiều lý do cho sự bùng nổ của thị trường ô tô trong năm 2015; đó là việc các ngân hàng nới chính sách tín dụng, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân; thị trường bất động sản khởi sắc; tâm lý vội mua xe chạy trước khả năng tăng giá của ô tô trong năm 2016; sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ Uber và GrabTaxi…

Trong khi thị trường ô tô bùng nổ, thì thị trường xe máy lại khá trầm lắng, với xu hướng chuyển dịch từ xe số sang xe tay ga, xe côn và xe phân khối lớn.

Lần đầu tiên có triển lãm xe nhập khẩu 

Sự kiện Vietnam Motor Show (VMS) của các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đông vui hơn hẳn kể từ khi có sự tham gia của các nhà nhập khẩu chính thức vào năm 2012. Tuy nhiên, cuộc chơi chung này đã kết thúc bằng việc các nhà nhập khẩu tách ra, tổ chức riêng với một triển lãm mang tên Vietnam International Motor Show vào tháng 10/2015 tại Hà Nội.

 Triển lãm riêng của các nhà nhập khẩu chính hãng diễn ra trước triển lãm của các thành viên VAMA khoảng 2 tuần (Ảnh: Việt Hưng)

Triển lãm riêng của các nhà nhập khẩu chính hãng diễn ra trước triển lãm của các thành viên VAMA khoảng 2 tuần (Ảnh: Việt Hưng)

Hai bên đổ lỗi cho nhau thiếu thiện chí; tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa có thể là do những bất đồng liên quan đến cách tính thuế TTĐB khác biệt giữa xe CKD và xe CBU.

Trong khi các nhà nhập khẩu chính thức muốn giữ nguyên cách tính thuế TTĐB như hiện tại, còn các thành viên VAMA lại công khai ủng hộ đề xuất mới của Bộ Tài chính về cách tính thuế TTĐB đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Theo đó, thay vì tính thuế TTĐB theo giá nhập khẩu (giá CIF) sẽ chuyển sang tính theo giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Nếu áp dụng cách tính này, giá xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ tăng.

Triệu hồi xe và quyền lợi người tiêu dùng

Người tiêu dùng ô tô, xe máy tại Việt Nam đã bắt đầu làm quen với “văn hoá” triệu hồi xe từ năm 2009. Giờ đây, nó đã được nhìn nhận như việc “có sai, có sửa”, thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng.

Vấn đề chỉ nóng lên khi doanh nghiệp có dấu hiệu, hoặc bị cho là, không trung thực, giấu lỗi, hoặc né tránh, trì hoãn triệu hồi sản phẩm. Tiếc thay, đó chính là chuyện buồn và ồn ào trên thị trường xe Việt vào thời điểm cuối năm 2015.

Thứ nhất là vụ triệu hồi xe SH phiên bản mới do lỗi phần mềm điều khiển hệ thống khóa chống trộm. Với lập luận rằng lỗi này không gây ảnh hưởng đến sự an toàn của người sử dụng cũng như các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nên ban đầu, Honda Việt Nam chỉ âm thầm sửa lỗi cho xe của khách. Tuy nhiên, trước sức ép của người tiêu dùng, báo chí, và cơ quan chức năng, cuối cùng, công ty đã phải công khai triệu hồi xe.

Hệ thống khóa thông minh với tính năng chống trộm của Honda SH (Ảnh: Việt Hưng)
Hệ thống khóa thông minh với tính năng chống trộm của Honda SH (Ảnh: Việt Hưng)

Thứ hai là vụ việc xe Mazda3 All-New hiện đèn báo lỗi động cơ (check engine). Cũng do sức ép từ nhiều phía, sau gần nửa năm kể từ khi diễn ra sự việc, nhà phân phối VinaMazda – thuộc Công ty cổ phần ô tô Trường Hải đã công khai xin lỗi người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn chưa có câu trả lời cho vấn đề quan trọng nhất – phương án khắc phục, vì Trường Hải cho biết phải chờ ý kiến từ Mazda Nhật Bản; còn họ chỉ đại lý và mua động cơ từ Nhật về Việt Nam. Và kết thúc năm 2015, vẫn chưa có thông báo triệu hồi nào được đưa ra đối với Mazda3 tại Việt Nam.

Bên cạnh yếu tố “phải làm” theo quy định của luật pháp, việc triệu hồi xe còn cần được thực hiện khẩn trương, vì liên quan đến sự an toàn của tài sản và người sử dụng.

Ngành công nghiệp ô tô và những dấu hỏi lớn

Ngay từ đầu năm 2015, câu hỏi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang ở đâu, làm được những gì sau 20 năm hưởng chính sách ưu đãi, bảo hộ đã nóng lên khi xuất hiện thông tin Toyota cân nhắc ngừng sản xuất ô tô tại Việt Nam để nhập khẩu hoàn toàn, hưởng ưu đãi thuế.

Đây không phải lần đầu tiên một doanh nghiệp ô tô nước ngoài úp mở kế hoạch rút nhà máy tại Việt Nam, nhưng vấn đề trở nên ồn ào hơn bao giờ hết bởi Toyota là hãng ôtô chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam trong suốt 20 năm qua, và cũng là thương hiệu có nhiều mẫu xe du lịch đạt tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trong ngành.

 Năm 2015 đang dần khép lại với nhiều câu hỏi lớn còn chưa có lời đáp trên thị trường ô tô, xe máy Việt Nam (Ảnh: Việt Hưng)

Năm 2015 đang dần khép lại với nhiều câu hỏi lớn còn chưa có lời đáp trên thị trường ô tô, xe máy Việt Nam (Ảnh: Việt Hưng)

Chỉ còn 2 năm nữa, đến 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước khu vực Đông Nam Á sẽ giảm về 0%; và chỉ vài ngày nữa, khi bước sang năm 2016, mức thuế suất đối với xe nguyên chiếc dành cho khu vực này sẽ giảm xuống còn 40%. Nếu không có thay đổi gì lớn, thì xem như Việt Nam lãng phí 20 năm với các doanh nghiệp ô tô, khi mà trong suốt thời gian đó đã ưu đãi số tiền thuế không nhỏ, để rồi rút cục vẫn không có ngành công nghiệp ô tô đúng nghĩa, người tiêu dùng vẫn phải mua xe giá cao.

Dù 20 năm chưa là gì so với bề dày trên dưới trăm năm của các nền công nghiệp ô tô hàng đầu thế giới như Đức, Mỹ, Nhật…, nhưng chừng đó thời gian lẽ ra đủ để Việt Nam xây dựng nền tảng, ít nhất là ngành công nghiệp phụ trợ, ghi dấu ấn nhất định trên bản đồ ngành công nghiệp ôtô trong khu vực.

Theo: Báo Dân Trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *