Khám phá hoạt động của động cơ tăng áp xe ô tô

(Baoxehoi) Động cơ tăng áp trên xe ô tô hoạt động như thế nào chắc chắn là câu hỏi khó trả lời đối với nhiều người. Trên thực tế nếu phân tích thì động cơ này hoạt động cũng không quá phức tạp như bạn tưởng

Với hệ thống động cơ tăng áp, lượng khí nạp vào trong xy-lanh mỗi giây sẽ được tăng hơn so với động cơ thông thường. Do đó, công nghệ này sẽ giúp đốt nhiên liệu ở một tỷ lệ cao hơn. Bên cạnh đó, tăng áp là một bộ phận có kết cấu tương đối đơn giản và có giá thành hợp lý, trong khi đó cho ra một công suất cao hơn so với cùng một loại động cơ không được trang bị hệ thống này.

Ý tưởng của động cơ tăng áp là hệ thống xả sẽ điều khiển tua-bin, mà tua-bin này được kết nối trực tiếp tới hệ thống nén, và hệ thống nén đảm nhiệm việc nạp khí vào trong động cơ. Nói cách khác, động cơ tăng áp sử dụng năng lượng động năng khí thải thường bị bỏ phí để nâng cao hiệu suất động cơ. Để có thể hiểu rõ hơn về hoạt động của hệ thống tăng áp trong động cơ, hãy cùng xem kết cấu và quy trình thao tác của động cơ này, thông qua một xy-lanh minh họa.

dong-co-tang-ap

– Khí mát sẽ đi vào trong bộ phận nạp khí của động cơ, sau đó đi thẳng vào bộ phận nén. Sau đó quạt của bộ phận nén sẽ giúp hút khí đi vào.

– Bộ phận nén giúp ép chặt và làm nóng khí, và tiếp tục thổi khí đi.

– Khí nóng đã được nén chuyển tiếp qua bộ phận trao đổi nhiệt, có tác dụng làm mát nó xuống.
Khí mát đã được nén đi vào trong bộ phận nạp khí của xy-lanh. Ô-xy tăng cường giúp cho việc đốt nhiên liệu trong xy-lanh diễn ra nhanh hơn.

– Do xy-lanh đốt nhiều nhiên liệu hơn, nó sản sinh năng lượng nhanh hơn và có thể chuyển được nhiều công suất tới bánh xe thông qua pít-tông, trục và hộp số.

– Khí xả từ xy-lanh sẽ thoát ra ngoài thông qua cửa xả.
Khí xả nóng thổi qua quạt tua-bin, khiến cho nó quay ở tốc độ cao.

– Tua-bin xoay được đặt trong cùng trục với bộ phận nén (mô tả bằng đường kẻ màu cam mờ). Do đó, khi tua-bin quay, bộ phận nén cũng quay theo

– Khí xả thoát ra khỏi xe và hao ít năng lượng hơn so với thông thường.

1, Ưu điểm:

– Tăng một lượng công suất đáng kể so với thông thường.

– Kích thước và sức mạnh động cơ: động cơ nhỏ hơn có thể sản sinh ra nhiều năng lượng hơn.

– Đem đến mức độ tiết kiệm nhiên liệu đáng kể, do động cơ có dung tích xy-lanh nhỏ.

– Hiệu suất cao.

2, Nhược điểm:

– Sự trễ tăng áp, do động cơ này mất thời gian để có đủ lượng khí khiến cho tua-bin đủ mạnh để đem đến tự tăng tốc mạnh mẽ.

– Ngưỡng khởi động: đối với những động cơ tăng áp truyền thống, chúng thường bị giới hạn ở số vòng tua nhất định. Tuy nhiên, động cơ mới đã phần nào giảm đi ngưỡng này.

– Cần nhiều dầu: động cơ tăng áp rất nóng và nhu cầu sử dụng dầu của nó cũng tăng lên.

PHƯƠNG ANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *