Hãng Uber rời khỏi thị trường Trung Quốc sau 2 năm kinh doanh

(Baoxehoi) Thị trường Trung Quốc từng được hãng taxi Uber kỳ vọng là 1 trong những thị trường đầu bảng và hy vọng doanh thu lớn, tuy nhiên hãng xe này sau 2 năm kinh doanh bết bát đã phải rời khỏi thị trường Trung Quốc. Hiện Uber đã phải bán lại việc kinh doanh cho một hãng xe nội địa khác.

Ở một thị trường Đông dân và thuộc diện nhiều tiềm năng nhất thế giới như Trung Quốc nhiều hãng xe lớn trên thế giới và cả các hãng taxi hay dịch vụ đều mong muốn gặt hái được nhiều thành công ở đây. Ông lớn Uber cũng đầu tư mạnh bạo ở thị trường này với mong muốn kiếm lời.

Tuy nhiên ảo vọng và viễn cảnh mà Uber mong muốn đã “tan thành mây khói” sau 2 năm thực hiện việc đầu tư và kinh doanh taxi Uber ở thị trường đông dân nhất thế giới này.

tx

Taxi Uber từng được kỳ vọng kinh doanh thành công ở thị trường Trung Quốc giàu tiềm năng

Ngay sau khi chính thức ra mắt vào 2 năm trước, họ đã ngay lập tức rơi vào cuộc chiến giá cả với các dịch vụ địa phương, khiến Uber phải tung ra các gói hỗ trợ tài xế tham gia cũng như giảm giá thành dịch vụ (so với các thị trường khác). Việc này tiêu tốn của Uber hơn 1,5 tỉ USD.

Mất tiền là một chuyện. Hình thức kinh doanh vốn được đánh giá cao của Uber lại không hợp lý ở thị trường Trung Quốc. Họ vẫn tiếp tục triển khai việc chiêu mộ các tài xế xe riêng, người sở hữu xe cá nhân tại Trung Quốc tham gia vào dịch vụ của mình mà không nhận ra rằng đối thủ của họ còn cao tay hơn thế.

Cụ thể, Didi Chuxing – đối thủ nội địa của Uber lúc đó và cũng chính là thương hiệu mua lại Uber vừa rồi, không chỉ thuyết phục những người sở hữu xe cá nhân làm việc cho họ mà còn hợp tác với các hãng taxi và thậm chí cả các công ty cho thuê xe. Didi Chuxing là công ty hợp nhất từ 2 thương hiệu chia sẻ xe nội địa tại Trung Quốc từ năm 2015 và bởi vậy họ có thừa kinh nghiệm và hiểu biết để vượt mặt Uber.

xetaxi

Taxi truyền thống vẫn phát triển rất mạnh ở thị trường Trung Quốc và thu lợi nhuận khổng lồ

Kết quả, phương thức hoạt động của Didi Chuxing đã chứng tỏ độ hiệu quả hơn hẳn. Trong tháng 7 vừa rồi trước khi chính thức được bán lại cho đối thủ, Uber Trung Quốc chỉ ghi nhận 150 triệu lượt chia sẻ xe – con số quá khiêm tốn so với gần 450 triệu của đối thủ nội địa.

Đáng lẽ Uber nên nhìn gương những công ty từng thâm nhập thị trường trước họ để rút ra bài học. Manheim Auctions, một trong những ông lớn về đấu giá xe và bán xe cũ tại Mỹ, thâm nhập mảng dịch vụ xe Trung Quốc từ năm 2006 và đã phải nhanh chóng rút lui.

McLarty – một hệ thống đại lý xe khá có tiếng cũng đến từ Mỹ, mua lại 12 đại lý xe sang tại Trung Quốc vào năm 2009 với tham vọng tiến đánh thị trường này nhưng cũng nhanh chóng biến mất. Stahlgruber, một nhà phân phối linh kiện quốc tế tới từ Đức cũng đã phải đóng cửa chi nhánh Trung Quốc của mình chỉ sau khi mới gia nhập sân chơi tại đây được vài năm (2011).

Điểm chung của những thương hiệu nói trên là khi họ đã thành công (và phần nào đó còn thành công rực rỡ) tại sân nhà của mình, họ đã bê nguyên công thức chiến thắng tới thị trường Trung Quốc một cách vô cùng chủ quan mà không ngờ rằng mảnh đất này không “dễ nuốt” như tưởng tượng. Ngay cả khi doanh số xe mới tại đây liên tục tăng cao (trừ giai đoạn khủng hoảng trong 2015), thị hiếu người tiêu dùng tại đây vẫn rất khác.

t11

Những “rào cản” khiến Uber không có đất để dụng võ ở Trung Quốc

Ngoài ra, luật pháp Trung Quốc cũng khá khắt khe với các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là mảng truyền thông (2 kênh quảng cáo lớn của nhiều thương hiệu là Facebook và Youtube bị kiểm duyệt hoàn toàn tại Trung Quốc). Không phủ nhận Bắc Kinh rất cởi mở với các khoản đầu tư quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ hậu mãi xe và dịch vụ chăm sóc hoặc chia sẻ xe.

Tuy nhiên việc kiểm duyệt truyền thông nghiêm ngặt và việc thiếu khả năng thích nghi nội địa đã khiến các thương hiệu nói trên, trong đó có cả Uber, rơi vào tình trạng “chết yểu” tại thị trường ô tô số 1 thế giới.

Nói chung có nhiều rào cản và cả nhiều yếu tố khiến Uber kinh doanh bết bát ở TQ. Việc Uber rời Trung Quốc cũng có lẽ là lựa chọn bắt buộc khi hãng không có giải pháp nào hơn. Uber cũng không ” cố đấm ăn xôi” mà chọn những giải pháp có thể cho là an toàn và đơn giản.

THẾ THÀNH

Theo: Tạp chí Công nghệ và đời sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *